TÍN NGƯỠNG VIỆT NAM: TỤC THỜ CÁ ÔNG Ở KHU VỰC VEN BIỂN

|
TÍN NGƯỠNG VIỆT NAM: TỤC THỜ CÁ ÔNG Ở KHU VỰC VEN BIỂN
Khám phá tín ngưỡng thờ cá Ông – nét văn hóa biển độc đáo tại các khu vực ven biển Việt Nam, thể hiện niềm tin thiêng liêng của ngư dân ven biển miền Trung, cũng như Nam Bộ đối với cá voi.

Ở Việt Nam, tín ngưỡng dân gian luôn gắn chặt với đời sống cộng đồng và thiên nhiên. Nếu miền núi thờ thần rừng, vùng đồng bằng gắn bó với Thành Hoàng Làng, thì những làng chài ven biển lại có một mối giao cảm đặc biệt với biển cả - nơi họ không chỉ mưu sinh, mà còn gửi gắm niềm tin và lòng biết ơn vào những linh vật mang tính biểu tượng.

Trong số đó, tín ngưỡng thờ Cá Ông – tức cá voi – là một trong những truyền thống đặc sắc, lâu đời nhất của cư dân ven biển Việt Nam. Gắn liền với đó là hình ảnh đình, miếu thờ hay các lăng, dinh, vạn ven biển, nơi linh thiêng thờ cúng, tưởng nhớ “vị thần Nam Hải” đã cứu nạn người đi biển từ bao đời nay.

Cá Ông – vị thần của biển cả trong tâm thức Việt

Trong văn hóa dân gian Việt Nam, đặc biệt là ở các tỉnh ven biển miền Trung và Nam Bộ, cá voi – hay được gọi kính cẩn là “Cá Ông” – từ lâu đã trở thành một linh vật gần gũi. Theo truyền thuyết, loài cá khổng lồ này là thần Nam Hải do vua ban sắc phong, có khả năng cứu nạn thuyền bè, bảo hộ ngư dân giữa trùng khơi.

Là loài cá to lớn, có thể khiến những người trông thấy phải sửng sốt, nhưng cá voi không phải là hiện thân của sự dữ dằn mà luôn gắn liền với hình ảnh hiền hòa cùng nhiều câu chuyện giúp đỡ tàu thuyền, con người vượt qua bão táp trên biển. 

“Gặp cá Ông là gặp phước.” Lời nói mộc mạc của một ngư dân đi biển đủ khiến tôi hiểu rằng cá voi hay Cá Ông không chỉ là một loài vật, mà còn là một tín ngưỡng, cũng như nơi gửi gắm lòng tin, là cứu cánh cho những con người quanh năm lênh đênh giữa biển khơi.

Bộ xương cá voi được trưng bày tại Vạn An Thạnh, đảo Phú Quý 

Bộ xương cá voi được trưng bày tại Dinh Vạn Thủy Tú, tỉnh Lâm Đồng

Bộ xương cá voi tại phòng trưng bày của Lăng Ông, đảo Lý Sơn 

Nơi giữ hồn biển và lưu dấu niềm tin

Nhắc đến tín ngưỡng dân gian ở khu vực đồng bằng Bắc Bộ là nhắc đến đình làng - nơi thờ Thần Hoàng Bổn Cảnh, các vị Tiên Hiền, Hậu Hiền có công lập và giữ đất đai làng xã. Còn ở những tỉnh thành ven biển của khu vực miền Trung và Nam Bộ, khi nhắc đến tín ngưỡng thờ cúng là nhắc đến các miếu thờ, dinh, vạn - nơi được lập nên để thờ tự vị thần bảo hộ đến từ biển cả - Cá Ông hay thần Nam Hải. 

Tôi từng đứng trước Vạn An Thạnh ở đảo Phú Quý - một nơi lưu giữ nhiều bộ xương Cá Ông, cũng đồng thời là nơi dùng để tưởng nhớ và thờ cúng vị thần này, cảm nhận rõ cái không khí vừa trang nghiêm, vừa đầy ắp niềm tin chân phương trong từng ngóc ngách - từ mùi gỗ cũ, màu vôi phai, mùi nhang trầm thoang thoảng. 

Một đặc điểm nổi bật của Vạn An Thạnh là nơi đây hiện đang lưu giữ bộ xương cá voi có độ dài tới 18m. Bộ xương cá voi đặc biệt này được người dân xem như hiện thân của thần Nam Hải, một biểu tượng của tín ngưỡng thờ Cá Ông. 

“Mỗi lần biển động, dân đảo vẫn thường đến đây thắp nén nhang, mong Cá Ông phù hộ bình yên” người trông coi Vạn An Thạnh vừa dẫn tôi đi tham quan, vừa chia sẻ. Có lẽ ở những tỉnh thành ven biển, điều người dân cần nhất chính là sự yên bình của biển cả, nên không có niềm tin nào lớn hơn tín ngưỡng dành cho vị thần bảo hộ trên biển - Thần Nam Hải hay chính là Cá Ông. 

Vạn An Thạnh, đảo Phú Quý 

Vạn An Thạnh, đảo Phú Quý 

Vạn An Thạnh, đảo Phú Quý 

Những “ngôi nhà” của Cá Ông 

Nếu ở đảo Lý Sơn có Lăng Ông, thì ở đảo Phú Quý có Vạn An Thạnh, Vạn Quý Thạnh là những nơi thờ tự Cá Ông nổi tiếng, trong hơn 10 vạn thờ Cá Ông ở huyện đảo thuộc tỉnh Lâm Đồng này. 

Nổi bật trong đó, Vạn Quý Thạnh ở xã Tam Thanh là một trong những nơi thờ tự cổ nhất, với kiến trúc gỗ đơn sơ, ba gian hai chái hướng ra biển. Những bộ hài cốt cá voi được tắm rửa, mai táng cẩn thận như con người – điều ấy khiến tôi không khỏi xúc động khi tận mắt chứng kiến nghi thức cúng Cá Ông vào một chiều hè lộng gió.

Vạn Quý Thạnh tại đảo Phú Quý, tỉnh Lâm Đồng 

Tại đảo Phú Quý, tôi được người dân kể nghe về những lần “Ông lụy” – tức là cá voi dạt vào bờ và được người dân tổ chức tang lễ trọng thể. Mỗi lần như thế, họ không sợ hãi, mà xem đó là phước lành từ biển, bởi vì điều đó có nghĩa là mảnh đất nơi Cá Ông trôi dạt vào chính là mảnh đất do chính loài cá này chọn lựa làm nơi yên nghỉ, còn người dân nơi đó chính là những người được Cá Ông tin tưởng phó thác việc an táng. Nên người dân các khu vực này luôn xem những lần “Ông lụy” và việc mai táng là trách nhiệm thiêng liêng cần được trân trọng.

Kết

Nếu tín ngưỡng là hơi thở của văn hóa Việt, thì nơi những làng chài ven biển – giữa vị mặn của gió và nhịp thở đại dương – ta tìm thấy một trong những biểu hiện rõ ràng và bền bỉ nhất: tín ngưỡng thờ Cá Ông.

Đức tin ấy khởi sinh từ đời sống thực – từ những lần biển động, những mong muốn được bình an, tai qua nạn khỏi, những lần cá voi cứu giúp ngư dân. Qua nhiều thế hệ, người dân khu vực ven biển dựng đình, lập vạn, thắp nhang và gọi tên “thần Nam Hải” với tất cả sự tôn kính lặng lẽ.

Và giữa nhịp sống hiện đại hôm nay, khi đứng trước nơi thờ tự Cá Ông, lắng nghe tiếng sóng, tiếng gió biển, tôi hiểu rằng: Tín ngưỡng Việt Nam không nằm ở đâu xa mà ở chính nơi trái tim người dân. Trái tim họ dành cho biển, nên niềm tin lớn nhất cũng thuộc về biển, về vị thần bảo hộ - Cá Ông từ bao giờ.  

—----

CREDIT: 

- Photography: Kien Trang, Luan Nguyen 

- Content: Giang Huynh 

- Design: Trung Huynh