Từ thành phố Hồ Chí Minh, chúng tôi đi dọc theo quốc lộ 1A để đến với Mỹ Tho - nơi được mệnh danh là thủ phủ của tỉnh Tiền Giang và từng được biết đến với danh xưng “Mỹ Tho đại phố” trong những tháng ngày lịch sử xưa cũ.
Sau gần 2 giờ di chuyển bằng xe máy qua các khu vực Bến Lức, Tân An, Tân Hương, chúng tôi đến nơi vừa kịp lúc Mỹ Tho thức giấc.
Mặt trời ló rạng, Mỹ Tho như cô gái tuổi xuân thì hãy còn e ấp, ngại ngùng, cố giấu mình trong chút bóng đêm còn sót lại, nhưng lại không thể giấu nổi đôi gò má đang dần ửng hồng cả một khoảng trời.
“ Mỹ Tho chào đón chúng tôi bằng tiết trời dịu nhẹ đầu năm cùng không khí thoáng đãng và khung cảnh hữu tình chốn miền Tây sông nước “
Từ Cầu Quay, dọc con sông Bảo Định, hiện lên trước mắt chúng tôi là dãy nhà nằm san sát nhau ở ven sông.
Các căn nhà tuy không có sự đồng nhất về đường lối kiến trúc hay màu sắc nhưng khi đứng cạnh nhau, chúng lại tạo nên dáng vẻ hài hòa. Trông từ xa, khung cảnh trước mắt như một bức tranh thủy mặc, khiến người ta không thể rời mắt trong khi rảo bước tới nơi đây.
Quan sát kỹ dãy nhà ven sông, chúng tôi không khỏi bất ngờ khi phát hiện ra mỗi căn đều sở hữu hai mặt tiền - một mặt hướng ra sông, mặt còn lại thì nằm ở con đường nhỏ phía sau.
Phải chăng ngay từ khi được xây dựng, những căn nhà nơi đây đã có sẵn hai mặt tiền? Hay mãi cho đến khi đất nước được giải phóng và mở cửa, chúng mới khoác lên mình tấm áo của một thời đại mới và mang dáng vẻ đặc biệt như hiện nay.
Vì vốn dĩ với Mỹ Tho, sông nước là con đường chính để giao thương, đi lại của mọi người, cửa nhà vì thế cũng được lựa chọn hướng ra mặt sông nước. Mặt tiền phía sông của các căn nhà nơi đây đã xuất hiện từ những ngày sơ khai. Còn các cửa nhà, mặt tiền phía đường bộ có lẽ đã được “sinh sau, đẻ muộn” hơn khi Mỹ Tho cảm nhận mình cần thay đổi theo những chuyển biến của thời đại mới - một thời đại hòa bình, mở cửa, cần sự phát triển toàn diện hơn.
Dẫu có hay không việc mang ý nghĩa đối với thời đại, với giai đoạn đất nước mở cửa, những căn nhà ven sông Bảo Định vẫn mang trong mình những giá trị riêng về văn hóa, kinh tế. Thông qua dáng dấp của mỗi căn nhà, người ta có thể hiểu thêm về đời sống sông nước của con người nơi đây, cũng như cách thức họ bán buôn, trao đổi hàng hóa và gìn giữ nếp sống lâu đời của vùng đất này.
“ Thông qua dáng dấp của mỗi căn nhà, người ta có thể hiểu thêm về đời sống sông nước của con người nơi đây, cũng như cách thức họ bán buôn, trao đổi hàng hóa và gìn giữ nếp sống lâu đời của vùng đất này ”
Nếu chỉ ngắm nhìn bằng mắt thường, thật khó để biết chính xác những căn nhà này đã được xây dựng từ bao giờ. Thế nhưng người ta lại có thể dễ dàng cảm nhận được chúng đều mang trên mình tấm áo khoác của thời gian thông qua lớp sơn có phần cũ kỹ, bong tróc, cùng sự hiện diện của các biển hiệu xưa cũ.
Không còn dáng vẻ sắc sảo, tươi mới của thời kỳ vàng son, các biển hiệu cũ trở nên thu mình, trầm mặc giữa những biến đổi của thời đại mới. Phông chữ tân thời từng được ưa chuộng, xuất hiện trên khắp các tờ báo, áp phích, biển hiệu,… trong giai đoạn trước giải phóng, nay cũng đã là điều cũ kĩ trong ký ức của nhiều người.
Nhìn ngắm những biển hiệu xưa cũ in bóng xuống mặt sông tạo nên thứ ảnh ảo óng ánh, cứ chốc chốc lại tan ra khi có ghe thuyền lướt ngang qua, chúng tôi dường như có thể mường tượng được dáng dấp xưa cũ của Mỹ Tho.
Là chốn giao thương huyết mạch trên sông giữa các tỉnh miền Tây và khu vực Chợ Lớn, Sài Gòn, sông nước Mỹ Tho từ sáng đến đêm luôn đầy ắp ghe thuyền. Dọc hai bên sông, những cửa hiệu đông như mắc cửi, người và hàng hóa ra vào liên tục, vài thương lái rảnh rang ngồi tán dóc trong lúc đợi hàng hóa được gia nhân khuân lên bờ.
Nhịp sống của Mỹ Tho xưa cũ là nhịp sống của sông nước, của thuyền ghe, của bán buôn. Lớn lên trong nhịp sống đặc biệt và hối hả đó là những mối quan hệ, những câu chuyện mà ta còn được nghe kể lại cho đến tận bây giờ.
“ Sông nước trở thành nơi gặp gỡ, chuyện trò, giao lưu, tạo dựng mối quan hệ cũng như lưu giữ những câu chuyện người ta thường hay kể nhau nghe “
Bên cạnh những biển hiệu xưa, những biển hiệu được in ấn với phông chữ, màu sắc bắt mắt của thời đại mới cũng xuất hiện trên nhiều căn nhà nơi đây.
Nhìn ngắm những biển hiệu mới đang xuất hiện nhiều hơn và dần thay thế cho những biển hiệu xưa cũ, chúng tôi dường như thấy được hình ảnh phản chiếu của chính mình trong đó - một thế hệ trẻ và mới vẫn đang học cách lớn lên và trưởng thành khi các thế hệ trước ngày một già đi.
Mặc dù trông có vẻ “trẻ trung”, “khỏe khoắn”, nhưng các biển hiệu mới lại không có được dáng dấp “từng trải”, “cứng cáp” như những biển hiệu xưa cũ. Vì khi chúng chỉ vừa mới xuất hiện ở đây, những biển hiệu kia có lẽ đã ngót nghét được hơn cả trăm tuổi đời.
Dạo ven bờ Bảo Định, chúng tôi cảm nhận được lớp vải dày của thời gian đang khoác lên từng ngóc ngách nơi đây. Khi cố bóc tách từng lớp vải, Mỹ Tho của những ngày xưa cũ hiện lên rõ nét hơn. Một Mỹ Tho đại phố nhộn nhịp của sông nước, của ghe thuyền và những ngày bán buôn hối hả, và cũng đồng thời là một Mỹ Tho chỉ còn trong hồi ức của nhiều thế hệ nơi đây.
Bất giác, chúng tôi không khỏi tiếc nuối khi nhìn lại những biển hiệu cũ, những dãy nhà tăm tắp ven sông. Vì đâu ai biết sẽ còn bao nhiêu năm nữa để chúng hiện diện và nhắc người ta nhớ về mình? Là mười, hai mươi năm hay chỉ là một khoảng thời gian ngắn nữa thôi …
—------
CREDIT:
- Photography: Luan Nguyen - Content: Giang Huynh - Design: Phuong Nguyen, Luan Nguyen