NHÀ THỜ HUYỆN SĨ VÀ GIAI THOẠI VỀ ÔNG NGOẠI CỦA NAM PHƯƠNG HOÀNG HẬU

NHÀ THỜ HUYỆN SĨ VÀ GIAI THOẠI VỀ ÔNG NGOẠI CỦA NAM PHƯƠNG HOÀNG HẬU
Không chỉ sở hữu những nét kiến trúc nổi bật, công trình này còn ẩn chứa trong mình những câu chuyện, giai thoại về cuộc đời của đại phú hào Huyện Sĩ - ông ngoại của Nam Phương Hoàng Hậu.

Nằm ngay trung tâm quận 1, trên con đường đông đúc Tôn Thất Tùng, nhà thờ Huyện Sĩ với dáng dấp cổ kính luôn toát lên một sức hút riêng, thu hút du khách gần xa ghé đến.


Không chỉ sở hữu những nét kiến trúc nổi bật, công trình này còn ẩn chứa trong mình những câu chuyện, giai thoại về cuộc đời của đại phú hào Huyện Sĩ - ông ngoại của Nam Phương Hoàng Hậu.


Trong bài viết dưới đây, hãy cùng MLifeOn khám phá về công trình nổi bật này.

Lê Nhứt Sỹ - Chủ Nhân Của Nhà Thờ Huyện Sĩ 


Nhà thờ Huyện Sĩ hay còn được biết đến với tên chính thức là Nhà thờ Thánh Philipphê Tông đồ là một công trình cổ kính và đồ sộ, nhưng ít ai biết công trình này vốn thuộc quyền sở hữu của một trong tứ đại phú hào Sài thành xưa.

Article image

“Nhất Sĩ, Nhì Phương, Tam Xường, Tứ Hỏa” - đó là 4 đại phú hào của Sài Gòn xưa. Nếu chú Hỏa hay Hứa Bổn Hòa đứng ở vị trí thứ 4 sở hữu Bảo Tàng Mỹ Thuật với 100 cánh cửa sổ, thì đại phú hộ Lê Nhứt Sỹ đứng ở vị trí thứ nhất lại sở hữu nhà thờ có khuôn viên rộng bậc nhất tại Sài Gòn, tên của công trình còn được đặt theo tên của chính mình.


Ông Lê Nhứt Sỹ có tên thánh là Philipphê, được sinh ra trong một gia đình công giáo. Tuy nhiên, từ thuở ban sơ, gia đình ông không thuộc tầng lớp khá giả mà ngược lại còn tương đối khó khăn, ông Lê Nhứt Sỹ phải lái đò chở thuê kiếm sống. Nhưng Lê Nhứt Sỹ là người có tố chất, lanh lợi nên được các cha đạo hết mực quý. Khi học hết tiểu học, ông được cử sang Malaysia du học. Tại đây, do bị trùng tên với thầy dạy học nên ông được đổi tên thành Lê Phát Đạt.

Giai đoạn Lê Nhứt Sỹ phất lên và bước chân vào giới thượng lưu, trở thành một trong tứ đại phú hào phải kể đến thời kỳ Người Pháp thu giữ và phát mãi số ruộng đất bỏ hoang nhưng không có ai mua. Nhờ liều mình vay mượn để mua đất đai và cho người thuê để trồng trọt. Trời đất ủng hộ, nhiều mùa liên tiếp bội thu, Lê Nhứt Sỹ “tích tiểu thành đại”, gom góp mua thêm đất đai và dần trở thành đại gia bất động sản, một trong tứ đại phú hào thời bấy giờ.

Những năm tháng cuối đời, Lê Phát Đạt dành một phần đất của mình để xây dựng nhà thờ Huyện Sĩ như một cách biểu lộ lòng thành kính với tôn giáo của mình. Và đây cũng chính là nhà mồ, nơi yên nghỉ của ông vào cuối đời.

Nhà Thờ Huyện Sĩ - Một Công Trình Kiến Trúc Giá Trị 


Article image

Được khởi công xây dựng từ năm 1902 (2 năm sau khi Lê Nhứt Sỹ qua đời), nhà thờ Huyện Sĩ được hoàn thiện và đưa vào sử dụng vào năm 1905, trở thành nơi hành lễ của các giáo dân, đồng thời cũng là biểu tượng tôn giáo, lịch sử của Sài Gòn thời bấy giờ.

Nhà thờ Huyện Sĩ được xây dựng trên phần đất của Lê Nhứt Sỹ. Kinh phí để xây dựng công trình chiếm 1/7 gia tài của Lê Nhứt Sỹ (ước tính hơn 30 muôn đồng bạc Đông Dương). Được xây dựng theo bản thiết kế của linh mục Bouttie.

Nhà thờ Huyện Sỹ có chiều dài 40 mét, rộng 18 mét, bao gồm 4 gian. Theo bản thiết kế ban đầu, công trình dự kiến sẽ được xây với 5 gian, có chiều dài 50 mét, nhưng trong quá trình xây dựng, một gian đã bị cắt bớt để có thể hỗ trợ kinh phí xây dựng sửa chữa cho Nhà thờ Chí Hòa.

Tương tự như nhiều nhà thờ được xây dựng vào cùng thời kỳ, nhà thờ Huyện Sĩ mang đậm dấu ấn của kiến trúc phương Tây, của phong cách Gothic.


Cụ thể, khu vực chính điện có vòm cung nhọn chịu lực, tường bao quanh được thiết kế với nhiều cửa sổ vòm đỉnh nhọn, trang trí kính màu ghép hình từ Ý. Bên cạnh đó, nội thất nhà thờ đặt nhiều tượng thánh, nổi bật là tượng Thánh Philipphê bổn mạng trên vòm cửa chính, làm từ đá cẩm thạch, tay cầm thánh giá Phục Sinh.


Trên nóc là tháp chuông chính diện cao 57 m, bên trong ngọn tháp có bốn quả chuông được đặt đúc tại Pháp năm 1905. Vật liệu sử dụng chủ yếu là đá hoa cương Biên Hòa, để ốp mặt tiền và các cột chính điện. Mặt ngoài nhà thờ sơn màu hồng nhạt, trên mỗi nóc đều có hình tượng cây thánh giá.

Article image
Article image
Article image

Nếu bạn dành thời gian để tham quan cả khu vực nhà thờ, cũng như khuôn viên của công trình đặc biệt này thì sẽ cảm nhận được rõ nét nhất những nét đặc trưng của kiến trúc phương Tây toát lên từ mọi ngóc ngách của nhà thờ. 


Điều đặc biệt khi bạn đến với công trình này là ở gian trái phía sau cung thánh nhà thờ là nơi đặt mộ vợ chồng ông Huyện Sĩ. Mặc dù vị đại phú hào mất từ 1900, nhưng thi hài của ông chỉ chính thức được đưa vào nhà thờ vào năm 1920 - khi vợ của ông qua đời.


Khi ghé đến tham quan nhà thờ Huyện Sĩ, bạn có thể ghé thăm phần mộ của hai vợ chồng Lê Nhứt Sỹ.

Nếu bạn đang tìm kiếm một công trình cổ kính với nhiều giá trị để tham quan và khám phá thì tại sao không thử một lần ghé đến nhà thờ Huyện Sĩ - công trình tôn giáo, lịch sử nổi bật nằm ngay trung tâm quận 1.


Thêm một bật mí nho nhỏ đối với các bạn là từ khu vực của nhà thờ Huyện Sĩ, bạn có thể dễ dàng di chuyển và ghé thăm các công trình lịch sử tiêu biểu khác như Dinh Độc Lập, Nhà Thờ Đức Bà, Bưu Điện Thành Phố để tạo nên một tour khám phá đầy thú vị.

—------

CREDIT: 


- Photography: Luan Nguyen  - Content: Giang Huynh  - Design: Phuong Nguyen