CHÙA SAMRONG EK - MỘT GÓC TÍN NGƯỠNG PHẬT GIÁO NAM TÔNG KHMER TẠI TRÀ VINH

CHÙA SAMRONG EK - MỘT GÓC TÍN NGƯỠNG PHẬT GIÁO NAM TÔNG KHMER TẠI TRÀ VINH
Chùa Samrong Ek - một trong những ngôi chùa Nam Tông Khmer mang trong mình các nét đẹp văn hóa nổi bật tại Trà Vinh

Đặt chân lên mảnh đất Trà Vinh, đi giữa những thửa ruộng thẳng tắp, những kênh rạch chằng chịt, chúng tôi có cơ duyên thăm quan, tìm hiểu chùa Samrong Ek - một trong những ngôi chùa Nam Tông Khmer mang trong mình các nét đẹp văn hóa nổi bật tại địa phương.

Vốn địa điểm chúng tôi dự định ghé đến ban đầu là Ao Bà Om - chiếc ao hình vuông, được bao quanh bởi những tán cây, quanh năm xanh biếc, thu hút du khách gần xa. Tuy nhiên, thời điểm chúng tôi ghé lại, cả cảnh sắc và thời tiết đều đã quá độ không còn dáng vẻ nên thơ thường thấy. Nên chụp vội vài tấm hình, chúng tôi nhanh chóng rời đi, mong tránh kịp cơn mưa đang đến gần sát trên đầu.


Như trêu đùa đoàn của chúng tôi, bầu trời vốn đang xám ngoét phút chốc lại trong xanh, làm khung cảnh trước mắt sắc nét trở lại. Vô tình lọt vào mắt chúng tôi ngay lúc đó là ngôi chùa Phật giáo Nam Tông Khmer - Samrong Ek.

Article image
Article image

“Vốn không nằm trong dự tính ban đầu, nhưng chúng tôi đã có cơ duyên ghé đến Samrong Ek để tham quan và tìm hiểu” 

Độc đáo từ vị trí địa lý 


Nằm gần vòng xoay tượng đài Toàn Dân Chiến Thắng, chùa Samrong Ek có diện tích 4 hecta, là nơi lưu dấu nhiều nét đẹp kiến trúc mang tính đặc trưng cho các ngôi chùa Phật giáo Khmer.

Trong tiếng Khmer, Samrong Ek có nghĩa là “cây sam rông lẻ loi”. Tên gọi đặc biệt này của ngôi chùa xuất phát từ việc trước đây xung quanh khuôn viên chùa có mọc rất nhiều cây sam rông*. Trong số đó, có một cây sam rông to lớn, đứng tách biệt so với các cây khác. Rồi dựa vào đó mà chẳng biết từ khi nào, những người dân quanh vùng đã quen gọi ngôi chùa với cái tên “Samrong Ek” - cây sam rông lẻ loi.

* Cây sam rông: là một loài cây cổ thụ có tầm quan trọng đặc biệt trong văn hóa Khmer, thường thấy xung quanh các ngôi chùa Khmer ở khu vực Nam Bộ. Loài cây này nổi bật với tán lá rộng lớn và thân cây đồ sộ, có tuổi thọ hàng trăm năm. 

Lối kiến trúc đặc trưng


Không giống những ngôi chùa Bắc Tông với dáng vẻ có phần nghiêm nghị, cổ kính, Samrong Ek sở hữu những nét đặc trưng kiến trúc của Phật giáo Khmer, làm người ta choáng ngợp bởi sự tráng lệ và đồ sộ ngay từ cái nhìn đầu tiên.

Góp phần tạo nên nét tráng lệ cho chùa Samrong Ek là sự phối hợp của các gam màu. Từ mái chùa, các mảng tường, những bức điêu khắc, bức họa linh thú hay chư thiên ở phía ngoài khuôn viên cho đến các điển tích về cuộc đời của Phật Thích Ca Mâu Ni được họa lại ở phía trong khu vực chánh điện… Tất cả đều có sự phối hợp hài hòa giữa các gam màu, khi kết hợp lại cùng nét điêu khắc tỉ mỉ của các nghệ nhân, càng khiến ngôi chùa vốn đồ sộ lại càng thêm tráng lệ, nổi bật và thu hút.


Article image
Article image
Article image


Đi tìm về lịch sử


Theo lời kể của các bô lão trong vùng, chùa Samrong Ek được xây dựng từ năm 1642. Tuy nhiên, một số tài liệu ghi chép lại cho rằng chùa đã có từ năm 1373. Không có thông tin xác thực về thời điểm chùa được xây dựng, nhưng cho dù được xây dựng từ thời điểm nào, Samrong Ek có lẽ cũng đã trải qua không ít thăng trầm của thời gian, thiên tai và chiến tranh trong quá khứ, khiến nhiều công trình bị hư hỏng, phải trùng tu, xây mới.

Cụ thể, vào năm 1850, chùa được xây dựng lại trên nền đất cũ. Đến năm 1944, tòa  chính điện được trùng tu, trở nên trang trọng, uy nghi hơn. Những năm gần đây, chùa Samrong Ek đã được tu bổ nhiều lần, trở thành nơi sinh hoạt văn hóa tâm linh cho người dân địa phương và thu hút du khách.

Tính cho đến thời điểm hiện tại, không ai biết chính xác Samrong Ek đã được sửa chữa và trùng tu bao nhiêu lần, nhưng người ta dễ dàng nhận ra điều đó trong màu sơn, nét điêu khắc hiện tại của ngôi chùa đều mang dáng dấp của sự mới mẻ. Tuy nhiên, các nét đặc trưng của lối kiến trúc Phật giáo Khmer vẫn còn được giữ gần như nguyên vẹn.

Vai trò với cộng đồng 


Người Khmer Nam Bộ có câu: “Sống vào chùa gửi thân, chết vào chùa gửi cốt”. Chùa Samrong Ek không chỉ là nơi thờ phụng mà còn là trung tâm sinh hoạt văn hóa của cộng đồng.

“Không chỉ là chốn linh thiêng thờ tự, chùa Samrong Ek còn là nơi dạy ngôn ngữ Khmer, Pali cho những đứa trẻ trong vùng. Trong chùa, những chiếc bảng con con được dựng lên, thêm vài chiếc ghế, cái bàn là đã có thể trở thành lớp học hè cho lũ trẻ. 


Thầy cô là các sư thầy, kiến thức hóa những bài giảng một cách êm ái trong không gian thanh bình, an yên của ngôi chùa đã nhiều năm tuổi.” 

Article image
Article image

Bên cạnh việc trở thành nơi dạy học tiếng Khmer và Pali cho các em nhỏ, Samrong Ek còn là nơi tu tập của các tỳ kheo*. Cứ vào mùa tu tập, ngôi chùa nơi đây lại trở nên đông đúc, nhộn nhịp hơn nhờ những bóng y cà sa màu vàng nghệ. Ghé Samrong Ek ngay đúng mùa tu tập, đoàn chúng tôi có cơ hội quan sát và ghi lại những hoạt động sinh hoạt đời thường nhất của các sư thầy.

* Tỳ kheo: là danh từ phiên âm từ chữ bhikkhu trong tiếng Pali và chữ bhikṣu trong tiếng Phạn, có nghĩa là "người khất thực"

“Dưới bóng nắng đổ dài, những chiếc y cà sa trở nên lấp lánh hơn. Trong phút chốc, chúng tôi có cảm giác như mình vừa du hành đến một xứ sở yên bình và thanh tịnh nào đó…”

Đi giữa khuôn viên chùa, quan sát những hoạt động đang diễn ra ở nơi đây, chúng tôi càng cảm nhận rõ nét các giá trị mà ngôi chùa này mang lại cho cộng đồng. Không chỉ là một không gian tâm linh đem đến sự bình yên, tĩnh lặng, Samrong Ek còn là nơi dạy con chữ, góp phần gìn giữ những nét đẹp văn hóa, gắn kết con người Khmer với nguồn cội của chính mình.

Không chỉ Samrong Ek, rất nhiều ngôi chùa Phật giáo Khmer vẫn đang âm thầm góp phần gìn giữ những nét đẹp văn hóa của cộng đồng bằng việc mở các lớp dạy học tiếng Khmer và Pali. Chúng tôi nghĩ sẽ thật là tuyệt nếu mô hình này tiếp tục được duy trì và phát triển. Khi đó, sự mai một của ngôn ngữ sẽ chẳng còn là điều đáng lo ngại trong một xã hội đang không ngừng du nhập những thứ mới mẻ và mất dần đi những điều xưa cũ, quen thuộc.

—------

CREDIT: 


- Photography: Luan Nguyen  - Content: Giang Huynh  - Design: Luan Nguyen