MỘT THOÁNG SÔNG NƯỚC - MỘT THOÁNG MƯU SINH

|
MỘT THOÁNG SÔNG NƯỚC - MỘT THOÁNG MƯU SINH
Sinh ra và lớn lên ở vùng đất đặc trưng như Duyên hải miền Trung, con người cứ vậy mà gắn bó với sông nước, với biển cả như một lẽ tự nhiên, một ngành nghề có tính kế thừa.

“Ở cái xứ sông nước nhiều như Duyên hải miền Trung, người ta đi đâu cũng dễ dàng bắt gặp hình ảnh quen thuộc của những chiếc thuyền, mái chèo, của lưới đánh cá giăng kín mặt sông, cửa biển… 


Khi đi xa, bất giác nhìn thấy bóng thuyền ghe, thấy mái chèo là người ta lại nhớ quê hương, nhớ cái nghề sông nước.” 


Article image

Trên dải đất duyên dáng hình chữ S; của Việt Nam, Duyên hải miền Trung tuy có địa hình hẹp ngang, song lại có địa thế giáp biển Đông, sở hữu mạng lưới sông ngòi dày đặc nên được thiên nhiên ưu đãi nhiều phong cảnh đẹp mắt, cũng như nguồn thủy-hải sản dồi dào từ biển Đông.


Sinh ra và lớn lên ở vùng đất đặc trưng như Duyên hải miền Trung, con người cứ vậy mà gắn bó với sông nước, với biển cả như một lẽ tự nhiên, một ngành nghề có tính kế thừa.

Ở các tỉnh thành Duyên hải miền Trung, nhiều hộ gia đình chọn lựa sống với nghề sông nước từ thời ông cha cho đến hiện tại. Từ nuôi trồng, đánh bắt thủy-hải sản đến lái thuyền, ghe chở người và hàng hóa, … tất cả công việc đó, người ta cứ vậy mà gọi chung là nghề sông nước - nghề nghiệp mưu sinh của biết bao thế hệ con người nơi đây.

Article image
Article image

“Mỗi nhịp sống trôi qua như nhịp chèo khua trên mặt nước, đầy âm thầm nhưng chất chứa bao tâm sự của cuộc sống mưu sinh.”


Cũng giống như canh tác nông nghiệp, nghề sông nước tuy sử dụng nguồn tài nguyên vốn có của tự nhiên để làm cơ sở khai thác và phát triển, nhưng đồng thời lại bị phụ thuộc bởi chính các yếu tố tự nhiên như thời tiết, mùa vụ, dòng chảy của sông ngòi, ... Điều này đồng nghĩa với việc nghề sông nước không phải lúc nào cũng đem lại cho người dân một mức thu nhập ổn định.

Ngay từ tờ mờ sáng, dưới chân cầu Cửa Đại bắc ngang con sông Thu Bồn ở Quảng Nam đã chộn rộn bóng dáng những chiếc ghe đi thăm lưới. Những chiếc lưới to được giăng giữa dòng, trông từ xa như một nang mực khổng lồ. Tùy vào thời điểm mà những chiếc lưới “no căng” cá, vì mùa cá vào nhiều thường chỉ kéo dài từ đầu năm cho đến giữa năm. Sau khoảng thời gian đó, sông Thu Bồn đục màu phù sa khiến cá biển không vào nữa, những chiếc lưới đánh cá cũng vì thế mà trống trải dần. Phải đến khoảng tháng 9, khi lũ đầu mùa về, sông Thu Bồn lúc đó mới đón chào mùa cá mới - mùa cá lạch chộn rộn cuối năm.

Article image
Article image

Tùy vào thời điểm trong năm mà biển cả chiêu đãi người dân nơi đây nguồn thủy-hải sản nhiều hay ít. Người đánh bắt cá ở cửa sông, cửa biển nếu có kinh nghiệm sẽ biết được đâu là thời điểm vàng để đánh bắt loại cá nào, cần sử dụng loại lưới ra sao. Cũng tương tự như đánh bắt thủy-hải sản, người làm nghề sông nước chuyên chở hàng hóa hay người cũng cần phải biết nhìn tiết trời, tránh những mùa nước lên, mùa bão lũ, mưa gió để đảm bảo an toàn cho cả người và hàng hoá. Nghề sông nước nhìn thì có vẻ êm đềm, nhưng thực chất lại đòi hỏi người làm nghề phải đủ đầy kinh nghiệm để ứng phó với thời tiết và đồng hành dài lâu với cái nghề gắn liền với thiên nhiên này.

“Sông nước gắn bó với con người một cách tự nhiên, còn con người nơi đây gắn bó với cái nghề sông nước như một lẽ đương nhiên. 


Tuy nhiên, nghề sông nước không phải lúc nào cũng trọn vẹn và ổn định. Chỉ cần một mùa nước không thuận, hay một cơn bão lớn đi qua, rất nhiều hộ gia đình có thể lâm vào cảnh túng thiếu.”


Article image
Article image

Ở ven sông khu vực cầu Cẩm Kim cũ ở thành phố Hội An, Quảng Nam, nhiều hộ gia đình vẫn theo nghề sông nước. Tuy nhiên, đối với họ bây giờ,  nghề sông nước không còn là nguồn thu nhập chính để trang trải cuộc sống cho cả gia đình nữa.


Vì ở mảnh đất có tiết trời khắc nghiệt như Duyên hải miền Trung, chuyện nhà cửa hư hỏng, chuyện mất mùa cá vì lụt lội là điều mà con người nơi đây phải thường xuyên đối mặt. Thế nên, bên cạnh việc đánh bắt cá trên con sông trước nhà, họ chọn làm thêm các công việc tay chân khác như làm công nhân, phụ hồ cho các công trình, nhà máy, xí nghiệp địa phương để có được đồng lương ổn định, chẳng cần phải phụ thuộc vào mùa màng hay thời tiết.

“Sông nước cho con người nơi đây cái nghề, nhưng không có gì đảm bảo cho họ về nguồn thu hay chất lượng cuộc sống khi mà bão lũ ngoài kia ngày một nhiều hơn”


Article image

Người dân Duyên hải miền Trung đã bao đời gắn bó với nước non, mỗi ngày đối với họ dường như là một vòng quay của sông nước. Nhìn họ lênh đênh trên những ghe, xuồng, chúng tôi cảm nhận sâu sắc được sự bền bỉ, vững vàng của những con người miền biển cả, nhưng đồng thời cũng càng thấy rõ hơn sự bấp bênh mà họ đang phải đối diện. Từ mưa lũ, mực nước lên xuống thất thường cho đến biến đổi khí hậu, tất cả như một vòng xoáy mà họ không dễ gì thoát khỏi.

Liệu với những bấp bênh và sự phụ thuộc quá lớn vào thiên nhiên, nghề sông nước có còn là một lựa chọn mưu sinh bền vững? Và với những thử thách mà thiên nhiên đặt ra, làm sao để bảo tồn và phát triển ngành nghề truyền thống này trong tương lai? Đó là điều mà chúng tôi trăn trở sau khi đặt chân rời khỏi vùng đất kiên cường và đầy sự bền bỉ này.

Article image

—------

CREDIT: 


- Photography: Luan Nguyen  - Content: Giang Huynh  - Design: Luan Nguyen