TÌM VỀ MANG THÍT, VĨNH LONG - NƠI TRĂM NĂM GIỮ HỒN GẠCH, GỐM

TÌM VỀ MANG THÍT, VĨNH LONG - NƠI TRĂM NĂM GIỮ HỒN GẠCH, GỐM
Từ Trà Vinh, chúng tôi đi dọc theo QL53 để đến với khu vực Mang Thít, Vĩnh Long, nơi nổi tiếng với những lò gạch đã hơn 100 năm tuổi.

“Dọc theo bờ Cổ Chiên thơ mộng, những lò gạch Mang Thít hiện lên sừng sững, đỏ rực giống như một vương quốc đỏ thu nhỏ ven sông.”

An Phước, Minh Châu, Tân Sung, Tây Sơn … mỗi lò gạch đều có tên gọi cho riêng mình, nhưng người ta vẫn cứ quen gọi chúng bằng cái tên “Mang Thít” - tên gọi của huyện lỵ ôm trong lòng mình những lò gạch vẫn còn đang đỏ lửa ngày đêm.

Article image

Tìm về với Mang Thít 


Từ Trà Vinh, chúng tôi đi dọc theo QL53 để đến với khu vực Mang Thít, Vĩnh Long, nơi nổi tiếng với những lò gạch đã hơn 100 năm tuổi. Trải dài hơn 30km, những lò gạch nơi đây nằm san sát nhau, hiện lên như một vương quốc thu nhỏ bên bờ Cổ Chiên.

Article image
Article image

Không phải ngẫu nhiên mà Mang Thít, Vĩnh Long hóa mảnh đất màu mỡ cho sự thành hình của các lò gạch. Vốn được thiên nhiên ưu đãi, thổ nhưỡng Vĩnh Long có nguồn đất sét quý giá. Khai thác và nhận biết được giá trị của nguồn nguyên liệu này từ sớm, những người Hoa sinh sống ở tỉnh thành miền Tây này đã xây dựng những lò gạch đầu tiên.


Để thuận tiện cho việc sản xuất và bán buôn, khu vực ven sông Cổ Chiên trở thành nơi lý tưởng nhất cho việc xây cất các lò gạch. Vì khi giao thông chưa phát triển như hiện nay, sông nước chính là con đường vận chuyển hàng hóa chủ lực ở chốn miền Tây sông nước như Vĩnh Long.

Ban đầu, các lò gạch chỉ xuất hiện lẻ tẻ ven sông Cổ Chiên. Về sau, do nhu cầu sử dụng gạch Mang Thít ngày càng nhiều nên các lò gạch được xây dựng nhiều hơn. Rồi chẳng biết từ bao giờ, ven bờ Cổ Chiên đã hình thành một hệ thống chi chít các cơ sở sản xuất gạch - gốm nằm san sát nhau. Trong đó, mỗi cơ sở sản xuất gạch thường là một hộ gia đình và được nối nghiệp qua từng thế hệ.

“Ven bờ Cổ Chiên, những lò gạch vẫn ngày đêm đỏ lửa, cần cù và bền bỉ như tình yêu của những chủ lò gạch nơi đây dành cho làng nghề truyền thống đã có từ hơn 100 năm này.” 

Article image
Article image

Vào thời điểm cực thịnh, hệ thống các lò gạch ở ven bờ Cổ Chiên lên đến số lượng hàng ngàn cái với hơn 3000 lò nung gạch ngói. Hiện nay, các lò gạch Mang Thít đã có sự giảm sút về số lượng, nhưng chất lượng gạch ngói thì ngày càng được cải thiện và nâng cao hơn. Ban đầu, các lò chỉ sản xuất gạch thẻ và ngói âm dương bằng phương pháp thủ công. Đến năm 1960, khi hệ thống lò gạch bắt đầu cơ giới hóa, bên cạnh gạch thẻ và ngói âm dương, các cơ sở còn sản xuất thêm gạch ống, gạch tàu. Các loại gạch này có độ sắc nét, đồng đều hơn, nên không chỉ được tiêu dùng trong nước mà còn được đem xuất khẩu ra nước ngoài.

“Sự xuất hiện của các lò gạch thể hiện sự chuyển đổi trong dòng chảy văn hóa và tự nhiên. Còn tính cơ giới của các lò gạch chính là sự chuyển đổi của sản xuất và thời đại.” 

Khám phá những lò gạch 


Vĩnh Long sáng sớm đã ướt mưa, nhưng đổi lại bầu không khí lại có phần mát mẻ và dễ chịu hơn. Sau một hồi hỏi thăm, chúng tôi cũng tìm được con đường dẫn vào các lò gạch Mang Thít. Đi trên con đường dẫn vào các cơ sở sản xuất gạch - gốm nơi đây, chúng tôi không khỏi trầm trồ trước khung cảnh mình thấy.

Đỏ au, đồ sộ, có chút cổ kính và trầm lặng, những lò gạch cao từ 7-15m lần lượt hiện ra trước mắt chúng tôi. Các lò gạch nơi đây có hình dạng tháp tròn, nhỏ dần ở đỉnh, được xây nên từ chính những viên gạch đỏ au. Chẳng rõ để xây nên những lò gạch to lớn như thế, người ta đã phải dùng đến bao nhiêu viên gạch, nhưng có lẽ phải là hàng trăm ngàn viên, xếp chồng, liên kết và nâng đỡ nhau.

“Trong không khí ẩm ướt của cơn mưa ban sáng, chúng tôi cảm nhận được rõ rệt cái mùi đặc trưng của hơi đất, của đất sét nung đỏ ngấm nước mưa sau những ngày nắng cháy oi ả - một cái mùi ngai ngái rất khó tả.”

Article image
Article image
Article image
Article image

Dừng lại và ghé thăm một cơ sở sản xuất nằm ngay dọc đường đi, chúng tôi có cơ hội được khám phá khu vực bên trong lò gạch. Nhiệt tình trò chuyện và hỗ trợ chúng tôi là một người phụ nữ trung niên. Ngồi lại và hỏi thăm người phụ nữ, chúng tôi được biết vốn trước đây cơ sở có hai lò nung nhỏ. Tuy nhiên, vài năm trước, hai lò này đã được nhập lại thành một lò nung lớn hơn để tiết kiệm chi phí nhân công, cũng như gia tăng hiệu suất.

Lò nung hiện tại của cơ sở cao 15m với sức chứa lên đến 430,000 viên gạch. Với mỗi mẻ gạch, cần từ 5-7 ngày cho công đoạn tải và xếp đặt vào trong lò, thêm khoảng 30 ngày cho công đoạn nung thì mới cho ra được thành phẩm chất lượng như mong đợi. Gạch do cơ sở sản xuất là loại gạch thẻ hai lỗ có độ bền, khả năng chịu lực cao, được ưa chuộng trong xây dựng. Đây cũng là loại gạch đã được sản xuất từ xa xưa ở Mang Thít.

Article image
Article image
Article image

Chúng tôi ghé đến đúng lúc mọi người trong cơ sở đang tải gạch và xếp chúng vào trong lò. Nhìn qua, công đoạn này có vẻ dễ dàng vì đã có máy móc hỗ trợ vận chuyển gạch từ dưới đất lên đến cửa lò. Tuy nhiên, đó chỉ là suy nghĩ thoáng qua của chúng tôi khi đứng quan sát. Còn khi có cơ hội trực tiếp leo thang lên tới cửa lò, đặt chân vào bên trong để trải nghiệm và khám phá thì lại là một câu chuyện hoàn toàn khác.

Riêng mỗi việc leo thang lên đến cửa lò, cũng như di chuyển phía bên trong đã là một thách thức lớn về độ cao cũng như sự khéo léo đối với chúng tôi. Vì thang leo được dựng khá dốc, bên trong lò chi chít những viên gạch đã được xếp đặt, chúng tôi nếu di chuyển không khéo sẽ làm đổ vỡ các chồng gạch - cũng chính là thành quả mà những người thợ nơi đây đã dày công căn chỉnh, sắp xếp những ngày qua.

“Leo vô trong lò nung, khung cảnh hút mắt, khiến chúng tôi thoáng ngẩn ngơ, cảm thấy công sức bỏ ra cho việc leo trèo nãy giờ là hoàn toàn xứng đáng.” 

Article image

Trong lò, không có bất kỳ một ô sáng hay khe hở nào xung quanh, chỉ duy nhất một miệng giếng trời con con ở phía trên đầu, nhưng lại gom đủ đầy ánh sáng cho không gian phía dưới. Chúng tôi, cộng thêm những người thợ đang xếp gạch trong lò, có cả thảy là 9 con người cùng chia nhau khoảng sáng đó, vẫn cảm giác vừa vặn và thoải mái.

Phía trong lò nung mát rượi, bốn phía phủ đầy bụi tro - dày đặc và trắng xoá. Nếu lỡ vô tình có ai đụng vào phía tường lò, bụi tro sẽ dính đầy người, đầy tóc, phải phủi cả một lúc lâu mới hết.

Chúng tôi ngồi quan sát những người thợ, tay chân họ thoăn thoắt di chuyển giữa máy tải gạch và khu vực xếp gạch. Các viên gạch - cứ mỗi lần 4 viên, được vận chuyển và xếp vào vị trí nhanh chóng, nhưng vẫn ngay hàng thẳng lối. Có lẽ để đạt đến mức độ thuần thục và tỉ mỉ như vậy, họ đã phải gắn bó với lò gạch, với thang leo và với công việc này từ rất nhiều năm rồi.

Article image

Quan sát, chuyện trò và ghi lại hình ảnh lao động của những người thợ, chúng tôi đôi lúc không khỏi giật mình khi vô tình nhìn xuống các khe hở xen kẽ giữa những hàng gạch. Chúng đen ngòm, sâu hun hút, làm chúng tôi có cảm giác như nếu lỡ chẳng may mà đánh rơi điện thoại hay thứ gì xuống đó, hẳn là sẽ chẳng có cách nào để kiếm lại được.

Chia tay những người thợ, những lò gạch ven bờ Cổ Chiên, chúng tôi tạm biệt Mang Thít khi mưa tạnh hẳn, trời quang và nắng lên dần phía trên những lò nung đỏ au. Đi khuất dần khu vực lò gạch, chúng tôi hy vọng sẽ sớm có dịp trở lại với Mang Thít, với Cổ Chiên. Mong rằng khi đó, những lò gạch nơi đây vẫn sẽ đông đúc và đỏ lửa ngày đêm như đã từng…

—------

CREDIT: 


- Photography: Luan Nguyen  - Content: Giang Huynh  - Design: Luan Nguyen