Tôi từng cho rằng “tối giản” là một phong cách sống hiện đại, phổ biến ở phố thị - nơi những căn hộ trắng tinh, chiếc bàn tối giản và lối sống ít vật chất được tán dương. Nhưng hóa ra, ở Việt Nam, có những nơi người ta đã sống như thế từ lâu. Không gọi tên, không lý thuyết hóa, họ chỉ đơn giản là sống chậm lại, chọn lọc những điều vừa vặn - như những cư dân của các hòn Đảo Lý Sơn, Đảo Phú Quý mà tôi từng có dịp tiếp xúc.
Sống cùng thiên nhiên
Dịp tôi ghé, Đảo Lý Sơn đang vào mùa tỏi. Ngay từ tờ mờ sáng, trên các cánh đồng tỏi trắng muốt, bóng dáng của những người nông dân cần cù đã xuất hiện. Tỏi Lý Sơn đối với người dân huyện đảo không chỉ là loại cây trồng chủ lực, mà còn là một biểu tượng mang tính bản địa, gắn liền với con người nơi đây. Mặc dù đất đảo thiếu đi sự màu mỡ, nhưng không vì vậy mà con người bỏ qua tiềm năng của nó, chính sự cần cù, sự kiên trì của con người đối với đất đai nơi biển đảo mới cho ra được loại thực phẩm đặc thù như tỏi Lý Sơn.
Cánh đồng tỏi ở Đảo Lý Sơn
“Cứ đất, cát là đủ … trồng sao cho sạch, cho lành là được.” - chẳng ai bảo ai, nhưng người dân nơi đây cứ vậy mà canh tác hòa hợp với thiên nhiên, tối giản trong nông nghiệp.
Người dân đảo Lý Sơn vận chuyển tỏi về
Họ không có đất đai màu mỡ, nhưng chưa bao giờ phàn nàn. Thay vì phụ thuộc vào vật tư đắt tiền, người dân tận dụng tối đa tài nguyên sẵn có - đất cát biển, rong rêu, nắng gió - để làm nên những mùa vụ tỏi trắng nhỏ bé nhưng mạnh mẽ như chính họ.
Ở Đảo Phú Quý, hình ảnh những chiếc thuyền đánh cá bé nhỏ rẽ sóng trong buổi bình minh thật sự khiến tôi xúc động. Không công nghệ hiện đại, không radar hay hệ thống giám sát, ngư dân vẫn vững tay lái vì đã sống cùng biển cả từ khi còn tấm bé. Sống cùng thiên nhiên, hiểu được nhịp điệu của gió và thủy triều, họ chọn trang bị những thứ cần thiết nhất cho tàu thuyền, dù không quá đủ đầy, nhưng là đủ đối với đời sống nơi biển đảo - và đó cũng chính là bản chất của tối giản.
Tàu thuyền ở Đảo Phú Quý
Nhà nhỏ, lòng rộng
Ở những đảo nhỏ, nhà cửa thường không xây lớn hay trang hoàng quá mức. Phần lớn những căn nhà nơi biển đảo được xây dựng đơn giản với tường đá, sử dụng mái tôn để che nắng mưa hoặc đổ bê tông cho chắc chắn. Vì đơn giản nên cũng tối ưu nguyên vật liệu sử dụng. Người ta không sắm sửa đồ đạc nhiều, vì gió bão không cho phép sự dư thừa, và cũng bởi họ đã quen sống với việc phải chọn lọc cho những gì cần thiết nhất vì xa xôi với đất liền, xa với nguồn cung cấp vật liệu.
Những ngôi nhà nơi đầu sóng ngọn gió luôn mộc mạc, giản dị
Vài năm trở lại đây, biển đảo được quan tâm, thúc đẩy phát triển du lịch, những căn homestay, những cửa hàng, cửa tiệm theo đó cũng mọc lên. Nhưng các công trình đẹp mắt, được xây sát bờ biển với view nhìn “triệu đô” đó phần lớn lại là do những chủ đầu tư từ đất liền xây dựng, còn người dân trên đảo, vốn hiểu thời tiết, hiểu sự ăn mòn của hơi biển, vị muối thường dựng nhà ở phía sâu trong lòng đảo để bảo vệ nhà cửa, đồ đạc. Sống tối giản nên họ cũng mong muốn tối ưu thời hạn sử dụng của đồ đạc, của từng tấm tôn, viên gạch ở ngôi nhà mình sống.
Tôi từng trú mưa trong một ngôi nhà nhỏ trên đảo, nơi có cụ bà ngồi đan lưới trong ánh sáng mờ. Quanh bà, chỉ vài vật dụng quen: chiếc nồi, ấm đun nước, chiếc võng đung đưa sớm tối. Bà ngồi đó, tay vẫn thoăn thoắt trên những sợi cước. Thấy tôi chăm chú nhìn không gian xung quanh, bà chỉ khẽ cười rồi bảo: “Già rồi, ở có mình, nhà cửa đơn sơ coi vậy chứ dễ dọn dẹp, tìm kiếm cháu ạ”.
Người dân đảo không sống tối giản vì xu hướng hay thời thượng, mà họ chọn sống như thế vì thực sự hiểu được đâu là cái cần thiết, như chính tính cách đơn giản của họ vậy.
Ít gia vị, nhiều tình nghĩa
Ở trên đảo, không có quá nhiều lựa chọn về món ăn, nhưng cũng không có nghĩa ẩm thực nơi đây thiếu thốn. Những món ăn nơi đây được tối giản về nguyên liệu, nhưng lại tối ưu về hương vị khi thưởng thức - vẫn vẹn nguyên sự đậm đà, ngon miệng mà du khách tìm kiếm.
Một buổi trưa ở Đảo Lý Sơn, tôi được mời ăn món gỏi tỏi non. Tỏi non hái sớm trong ngày, chẻ sợi mỏng, trộn với ít cá khô nướng và mắm nhĩ pha chanh ớt. Không màu mè cầu kỳ, không nguyên liệu xa xỉ, chỉ bằng vài thứ sẵn có nhưng lại ngon đến ngỡ ngàng. Mỗi miếng ăn vào vừa cay the, vừa ngọt mặn, vừa có cái giòn giòn tươi mát - như thể cả mảnh đất đang nằm gọn trong một bữa cơm trưa.
Ở Đảo Lý Sơn, tỏi không chỉ là gia vị mà còn là nguyên liệu chính của một món ăn đặc trưng cho vùng đất này
Ẩm thực nơi đây tối giản, nhưng vẫn trọn vị và gói trọn tinh hoa của đất cát, biển đảo.
Ẩm thực nơi đây là vậy - tối giản và cũng tối ưu, biển đảo cho gì thì con người đều tận dụng để đưa vào bữa ăn. Nên khi đến với biển đảo, bạn sẽ dễ dàng bắt gặp những món canh nghe lạ tai được nấu từ các loại rau mọc trên đảo, những món ăn không cần quá nhiều gia vị như cá nướng than đá, nước mắm chưng ớt… Tất cả đều mộc mạc, nguyên vẹn vị tự nhiên, thấm đẫm hương vị đặc trưng của biển đảo.
Một gia đình làm bánh ích trần ở Đảo Lý Sơn
Kết
Ở nơi biển đảo, sống tối giản không chỉ trong vật chất, mà còn trong quan hệ – không bon chen, không được mất, chỉ cần đủ sống khỏe, sống vui và có nhau là được. Điều tưởng chừng như đơn giản, dễ thực hiện nhưng lại không nhiều trong xã hội với quá nhiều bon chen ngoài kia. Nên khi đến những huyện đảo, tiếp xúc người dân nơi đó khiến tôi thấy lòng mình được đủ đầy, an yên hơn - thứ đầy lên không phải đồ đạc, mà là kết nối và sự tử tế giữa người với người.
Tôi rời đảo với hành lý nhẹ tênh, không có nhiều quà, không có vật lưu niệm sặc sỡ. Nhưng tâm trí tôi đầy ắp bài học về một lối sống đủ đầy trong sự giản đơn, nơi mỗi con người biết trân quý mọi thứ quanh mình và không chạy theo điều sự hào nhoáng, dư thừa.
—--
CREDIT:
- Photography: Luan Nguyen, Kien Trang
- Content: Giang Huynh
- Design: Phuong Nguyen