PHỞ – BÁNH MÌ: BIỂU TƯỢNG ẨM THỰC VIỆT NAM DƯỚI DÒNG CHẢY LỊCH SỬ

|
PHỞ – BÁNH MÌ: BIỂU TƯỢNG ẨM THỰC VIỆT NAM DƯỚI DÒNG CHẢY LỊCH SỬ
Cùng khám phá phở và bánh mì – hai biểu tượng ẩm thực Việt Nam mang trong mình bản sắc, sự sáng tạo và tinh thần dung hòa văn hóa.

Mỗi quốc gia đều có món ăn khiến người ta nghĩ đến là thấy quê hương. Với Việt Nam, đó có thể là tô phở nóng buổi sớm, hay ổ bánh mì đầy ụ nhân nơi góc đường. Không là món ăn cầu kỳ hay sơn hào hải vị, nhưng bánh mì và phở luôn có điều gì đó khiến người ta phải dừng lại để thưởng thức và cảm nhận. 

Hãy cùng MLifeOn khám phá về hai món ăn đặc biệt này qua bài viết dưới đây. 

Bánh mì – nét chấm phá đầy sáng tạo trong ẩm thực Việt

Không ai còn lạ lẫm với ổ bánh mì Việt Nam với phần vỏ mỏng, ruột nhẹ, giòn rụm bên ngoài mà đầy đặn bên trong. Nhưng để có được cái “quốc hồn” ấy, bánh mì Việt đã phải trải qua một hành trình rất dài.

Không phải là món ăn có xuất xứ từ đất Việt, bánh mì là món ăn ngoại nhập và đã được điều chỉnh dần dần để mang dáng dấp riêng của ẩm thực Việt. 

Từ chiếc Baguette của người Pháp khi đặt chân đến Đông Dương, người Việt đã âm thầm biến tấu, thay đổi món ăn này bằng những lần nướng thử, những lần trộn bột. Những sáng tạo vô tình mà kỳ diệu ấy đã biến hóa chiếc bánh Baguette vốn có hình dạng que dài, đặc ruột thành một loại bánh mì ngắn hơn, nhỏ hơn, giòn hơn và cũng dễ cầm nắm, vận chuyển hơn. Và đó chính là phiên bản đầu tiên của bánh mì Việt - món ăn thân thuộc, hầu như phủ khắp các đường phố Việt. 

Với khả năng linh hoạt trong chế biến và phối trộn các nguyên liệu, thành phần khi nấu nướng của người Việt, bánh mì dần dần được đa dạng phần ruột bên trong bởi đủ loại nhân - từ thịt heo quay, chả lụa, xíu mại cho đến trứng, cá hộp, … Với mỗi loại nhân, người Việt lại có các loại nước sốt riêng, kết hợp cùng dưa leo, hành ngò, đồ chua. Thịt thà, nước sốt, rau ria - tất cả được xếp chồng lên nhau - nhiều, đa dạng, nhưng không lấn át hay gây đối chọi hương vị. 

Từ chỗ là một món ăn “ngoại lai”, bánh mì đã dần dần trở thành biểu tượng ẩm thực đường phố của người Việt. Không cần bàn ghế, không phân biệt tầng lớp, bánh mì chinh phục người ăn bởi chính sự giản đơn, nhưng vẫn đủ đầy chất lượng của mình. 

Phở – Thức ngon gói trọn tâm tình người Việt

Phở không giống món nào khác. Mỗi vùng lại có cách nấu riêng, mỗi nhà lại có bí quyết khác nhau, nhưng một bát phở ngon thì luôn mang một thứ mùi mà ai đi xa cũng nhớ.

Dấu ấn đầu tiên về món phở được cho là xuất hiện trước năm 1910, khi các hình ảnh về những gánh phở rong được khắc lại trong bộ tranh dân gian Technique du Peuple Annamite” (Kỹ thuật của người An Nam) do Henri J. Oger thực hiện tại Hà Nội. Không chỉ là tranh vẽ, đó chính là minh chứng trực quan đầu tiên về một món ăn truyền thống đã in hằn trong ký ức của biết bao người con Việt.

Theo tập luận văn “Trăm năm phở Việt” của Trịnh Quang Dũng, phở ra đời trong bối cảnh giao thoa văn hóa sâu rộng giữa người Việt, người Hoa và người Pháp tại Hà Nội vào đầu thế kỷ XX. Cụ thể, vào thời điểm đó, thực dân Pháp để phục vụ cho nhu cầu ăn bít tết của mình đã ra sức giết mổ bò - loài vật được coi là sức kéo chính của người nông dân Việt. Vì bò bị giết mổ với quy mô lớn, mà người Pháp chỉ sử dụng phần thịt chính để làm bít tết, nên phần xương thừa và thịt vụn vốn bị xem là dư thừa đã trở thành cơ hội cho những người bán hàng rong. Họ tận dụng phần dư ra này để biến tấu thành món ăn mới mẻ - một thức ăn có phần nước dùng bò nấu cùng sợi bánh phở dẹt.

Từ món ăn “tận dụng nguyên liệu thừa”, phở trở thành món ăn của đường phố – nơi hội tụ đủ các tầng lớp. Từ thương nhân, binh lính, người đi tàu từ Trung Quốc, Pháp cho đến người bản địa Việt Nam. 

Bát phở vào thời điểm đó hóa giao điểm của thời cuộc, của văn hóa, và của sự linh hoạt rất Việt.

Từng có người gọi phở là "ngưu nhục phấn" – nghĩa là “mì thịt bò” – do sự tương đồng với món súp bò từ Vân Nam. Nhưng cách người Việt thêm quế, hồi, gừng nướng, thảo quả, rồi điều chỉnh hương vị cho vừa khẩu vị của mình đã dần đưa món ăn này thoát khỏi ảnh hưởng về tên gọi từ ban đầu đó.

Cũng từ đó, phở không còn là món ăn của riêng cộng đồng nào, mà trở thành hương vị chung trong lòng người Việt.

Một bát phở không chỉ là sự kết hợp của nước dùng – bánh – thịt, mà còn là sự kết tinh của lịch sử, của trí tuệ ứng biến, và của cái tinh tế trong ẩm thực Việt: biết chắt chiu, biết dung hòa, và biết tạo nên hương vị độc đáo từ những thứ tưởng chừng như rất đỗi bình thường.

Phở và Bánh mì - ở đâu giữa nhịp sống hiện nay 

Ngày nay, khi ẩm thực Việt ngày càng phong phú với các món ăn du nhập như gà rán, hamburger, sushi hay mì udon, ramen, … phở và bánh mì có còn “hợp thời”?

Có lẽ không mất quá nhiều thời gian để tìm kiếm câu trả lời cho câu hỏi này. Dọc khắp đường phố Việt, bên cạnh những quán Hàn, quán Âu, Trung Hoa đang mọc lên ngày một nhiều hơn, những quán ăn Việt nếu đã ngon, đã khiến người ta phải lòng, thì vẫn còn đó, không bị lu mờ trước những “người bạn nước ngoài”. Và bánh mì, phở - hai món ăn biểu trưng cho ẩm thực Việt cũng vậy. Sự xuất hiện của các món ăn nước ngoài không khiến hương vị của những thức ngon này hạ nhiệt hay hao hụt về số lượng người thưởng thức, mà càng giúp khẳng định thêm vị thế của ẩm thực Việt. 

Phở không cần topping cầu kỳ, bánh mì không cần được phục vụ trong một bối cảnh sang trọng thì vẫn hiện diện ở đó - trong tâm thức của mỗi người con đất Việt. 

Không thể phủ nhận sự đa dạng của ẩm thực hôm nay, nhưng vai trò của những món ăn mang tính biểu tượng và thân thuộc với các thế hệ người Việt như phở và bánh mì là không thể thay thế. 

Kết

Phở và bánh mì, một món ăn nóng hổi công phu, một món ăn tiện lợi trên tay. Một đậm tính truyền thống, một mở cửa hội nhập. Nhưng cả hai đã, đang, và có lẽ sẽ mãi là những lát cắt văn hóa đặc sắc nhất trong ẩm thực Việt Nam.

Bánh mì và phở hay chính là tính biểu tượng của ẩm thực Việt không cần chạy theo xu hướng, vì các thức ngon ấy đều đã ở sẵn trong lòng người.

—---

CREDIT: 

- Photography: MLifeOn collab with MYMO MEDIA

- Content: Giang Huynh

- Design: Bao Tram