Giữa muôn vàn hình thức giải trí sôi động, Nghệ thuật Hát Bội (hay còn gọi là tuồng cổ) vẫn lặng lẽ hiện diện như một kho tàng cổ, nơi tiếng trống, lời ca và sắc màu sân khấu lưu giữ những giá trị tinh thần bền bỉ. Bắt nguồn từ sân khấu cung đình Việt Nam, Nghệ thuật Hát Bội từng là thú vui thưởng lãm mang tính quý tộc, xuất hiện trong các buổi diễn dành cho vua chúa. Theo thời gian, loại hình nghệ thuật này len lỏi ra khỏi tường thành, bén rễ vào đời sống dân gian, gắn liền với đình làng, miếu thờ và trở thành món ăn tinh thần trong mỗi mùa lễ hội.
Nguồn gốc và lịch sử hình thành Nghệ thuật Hát Bội
Nghệ thuật Hát Bội xuất hiện từ thế kỷ XIII dưới triều nhà Trần, được xem là hình thức sân khấu phục vụ tầng lớp hoàng tộc. Đến thế kỷ XVII, danh nhân Đào Tấn đã góp công lớn khi đưa Hát Bội từ Đàng Ngoài vào Đàng Trong, đặt nền móng phát triển cho loại hình nghệ thuật này. Hát Bội phát triển mạnh mẽ và đạt đến giai đoạn phồn thịnh dưới triều Nguyễn, đặc biệt là thời vua Tự Đức.
Khác với vẻ kính cẩn nơi cung đình, khi đến với miền Nam, Nghệ thuật Hát Bội dần trở nên cởi mở và gần gũi hơn. Trong không gian đình làng, Hát Bội mang hơi thở của của đời sống và của tín ngưỡng, từ đó mà gắn bó lâu dài hơn với đời sống nhân dân.
Đặc điểm khác biệt của Nghệ thuật Hát Bội so với những loại hình nghệ thuật sân khấu khác
Điểm dễ nhận biết và phân biệt giữa Nghệ thuật Hát Bội so với các hình thức nghệ thuật sân khấu khác chính là cách xây dựng hình ảnh nhân vật ấn tượng. Diễn viên Hát Bội thường trang điểm đậm với màu sắc tươi sáng, tương phản mạnh để khắc họa rõ nét từng tính cách nhân vật. Chỉ cần thoáng nhìn, khán giả đã có thể đoán được nhân vật trung nghĩa hay gian thần, người quân tử hay kẻ mưu mô.
Phần nền da mặt màu đỏ đại diện cho người anh hùng trung liệt; màu đen là màu của sự chất phác, nóng nảy nhưng ngay thẳng; màu trắng mốc gợi lên hình ảnh kẻ nịnh thần, xảo trá; màu xám dành cho người già, còn màu xanh lại ám chỉ những thế lực ma mị, mưu mô. Hình dáng lông mày cũng là một cách để nhận biết các tuyến nhân vật trong Nghệ thuật Hát Bội: lông mày nét mềm là người hiền; màu trắng là thần tiên; nét lượn sóng thể hiện sự kiêu ngạo, lông mày dựng thẳng là người nóng nảy, còn những nét ngắn, vụn vặt thường thuộc về kẻ gian nịnh, tiểu nhân.
Nghệ sĩ Hát Bội trong tạo hình nhân vật, chuẩn bị cho vở diễn sân khấu truyền thống.
Trong Nghệ thuật Hát Bội, người nghệ sĩ không đơn thuần là một diễn viên. Họ đồng thời là người hóa thân và là người kể chuyện thực thụ. Quá trình tự tay hoá trang, chuẩn bị trang phục, thần thái trong từng dáng đi, ánh mắt, điệu bộ,.. tất cả đòi hỏi một quá trình khổ luyện và hơn hết là một tình yêu vô điều kiện dành cho nghệ thuật dân tộc.
Vai trò của Nghệ thuật Hát Bội trong trong đời sống văn hóa xưa
Hát Bội không chỉ là biểu diễn, mà còn là sự phản chiếu của xã hội, của lý tưởng đạo đức mà người xưa gửi gắm. Mỗi vở diễn là một bài học sống, đề cao Nhân - Lễ - Nghĩa - Trí - Tín, khắc họa những mặt sáng và tối của con người, truyền tải ước vọng sâu xa về công bằng, nhân nghĩa và chính trực.
Trong đời sống văn hóa dưới thời nhà Nguyễn, Hát Bội hiện diện ở hầu hết các lễ hội, cung đình, là một phần không thể thiếu của đời sống tinh thần nhân dân. Người dân tìm đến sân khấu Hát Bội không chỉ để giải trí, mà còn để soi chiếu tâm thức và khơi dậy lòng yêu nước, thương dân.
Nỗ lực bảo tồn Nghệ thuật Hát Bội
Giữa những loại hình giải trí hiện đại liên tục phát triển, Nghệ thuật Hát Bội lặng lẽ đi qua những chuyển mình của thời cuộc. Không còn hiện diện dày đặc như thuở xưa, Hát Bội giờ đây đứng trước một câu hỏi lớn: Làm sao để tiếp tục “sống” trong lòng khán giả, đặc biệt là những thế hệ trẻ chưa từng lớn lên cùng tiếng trống nơi đình làng?
Dù hành trình đó không dễ dàng, nhưng tình yêu với loại hình nghệ thuật này chưa bao giờ tắt. Những nghệ sĩ Hát Bội kỳ cựu vẫn ngày đêm miệt mài nuôi giữ nghề, còn lớp nghệ sĩ trẻ đang dần tiếp bước, nỗ lực đem Nghệ thuật Hát Bội đến gần hơn với công chúng, để Hát Bội tiếp tục được lắng nghe và cảm nhận.
Các nghệ sĩ Hát Bội kỳ cựu vẫn miệt mài gìn giữ nghề qua từng vở diễn.
Nghệ thuật Hát Bội ngày nay đang dần hòa nhịp trong dòng chảy thời đại
Giờ đây, nghệ thuật Hát Bội đang từng bước chuyển mình để hòa nhịp với thời đại. Không còn gói gọn trong khuôn khổ đình làng hay lễ hội truyền thống, Hát Bội đã và đang tìm thấy chỗ đứng mới, nơi những câu chuyện xưa được kể lại với tinh thần trẻ trung, sáng tạo và gần gũi hơn với công chúng.
Dù hình thức biểu diễn có thay đổi, tinh thần của Hát Bội vẫn vẹn nguyên: là niềm tự hào văn hóa, là chất liệu nghệ thuật quý giá của dân tộc. Những đổi mới ấy không chỉ giúp gìn giữ giá trị truyền thống, mà còn đưa Hát Bội đến gần hơn với thế hệ trẻ - là những người sẽ tiếp tục viết nên hành trình bảo tồn nghệ thuật dân tộc trong tương lai.
Sân khấu Hát Bội tại Đền Hùng - Bảo tàng Lịch sử TP.HCM
Kết
Hiện tại, Nhà hát Nghệ thuật Hát Bội Thành Phố Hồ Chí Minh đang có các suất biểu diễn Hát Bội vào sáng Chủ Nhật hằng tuần tại Đền Hùng - Bảo tàng Lịch sử TP.HCM và Lăng Đức Tả Quân Lê Văn Duyệt, các suất diễn này sẽ kéo dài từ nay đến hết năm 2025. Đây là cơ hội để công chúng, đặc biệt là giới trẻ có thể trực tiếp thưởng thức và cảm nhận trọn vẹn vẻ đẹp sống động của nghệ thuật Hát Bội giữa lòng thành phố hôm nay.
---------
CREDIT:
- Photography: Luan Nguyen
- Content: Vy Vy
- Design: Phuong Nguyen