Trong đời sống người Việt, nghề thủ công mỹ nghệ không chỉ là nét đẹp truyền thống mà còn là một phần quen thuộc của sinh hoạt hằng ngày. Và trong muôn nghề thủ công mỹ nghệ truyền thống của Việt Nam, nghề dệt chiếu cói vẫn tiếp tục được gìn giữ và phát triển. Đặc biệt, ở một số tỉnh thành, có những nơi vẫn ngày ngày tất bật với khung dệt, với màu nhuộm, với nghề làm chiếu cói truyền thống từ bao đời.
Hãy cùng theo chân MLifeOn khám phá nghề dệt chiếu cói trong hành trình tại tỉnh Đắk Lắk (khu vực Phú Yên cũ) - vùng đất ven biển gió lộng, nơi mà nghề dệt chiếu cói vẫn đang được giữ gìn như một phần đời sống của con người.
Sợi cói - từ đất đai bước vào cuộc sống
Không giống như nhiều vùng chuyên canh lúa, một số làng nghề ở huyện Tuy An, tỉnh Đắk Lắk (khu vực Phú Yên cũ) đã chọn trồng cói làm nguyên liệu sống. Trên những cánh đồng rộng, cói được gieo vào mùa khô, vun đắp bằng nắng gió và đất đai hiền lành. Khi thu hoạch, người dân dùng xe thồ, bè nước hoặc gánh bộ về xưởng - công đoạn bắt đầu cho hành trình dệt chiếu.
Cói được trồng quanh khu vực Đầm Ô Loan ở huyện Tuy An, tỉnh Đắk Lắk
Theo chân người nông dân đi thu hoạch cói
Cói được thu hoạch khi vẫn còn tươi và xanh
Những bó cói sau khi mang về được chẻ nhỏ, phơi khô, nhuộm màu bằng kỹ thuật lâu đời, từng sợi được chọn lựa cẩn thận trước khi lên khung. Các màu sắc nhuộm thường có xanh, đỏ, trắng, vàng. Tuy nhiên, cũng tùy vào ý tưởng dệt, sở thích của người dùng hay sự sáng tạo của người thợ mà các gam màu sử dụng trong một sản phẩm có sự linh hoạt về các sắc xanh đỏ, số lượng nhiều ít.
Lần đầu nhìn người thợ nấu màu, tôi không khỏi ngạc nhiên trước cách canh lửa, đảo sợi, kiểm màu của họ. Dù không có máy đo nhiệt độ, nhưng từng bó cói khi được kéo lên đều thấm màu đều, tươi - như thể được nhuộm tỉ mỉ từng sợi một.
Có thể nói, với người thợ làm chiếu cói, mỗi sợi cói chính là một nhịp đập, nhịp thở của nghề nghiệp, còn họ chính là người chăm chút cho từng nhịp đập của cái nghề đã cùng mình “ăn đời ở kiếp” bao lâu nay.
Người thợ đang nhuộm màu cho cói
Cói được nhuộm với đủ thứ màu sắc bắt mắt
Dệt chiếu cói – công việc của đôi tay và lòng kiên nhẫn
Dù công nghệ ngày nay đã giúp người thợ giảm đi đôi ba phần cực nhọc, góp phần lớn vào việc nâng cao năng suất và chất lượng của sản phẩm, nhưng làm chiếu cói vẫn là ngành nghề cần có sự phối hợp tỉ mỉ, sự tập trung và một trái tim yêu nghề, yêu sợi cói, khung dệt.
Sự phối hợp, tập trung được thể hiện rõ nhất ở người thợ dệt. Vì không giống như đan lưới hay dệt vải, một khung dệt chiếu cói cần phải hai người cùng làm: một người luồn sợi, một người gõ nhịp. Nên với mỗi sợi cói được luồn, mỗi nhịp dệt đều là sự tập trung và phối hợp ăn ý. Cũng chính vì vậy, mỗi ngày, hai người thợ chỉ có thể hoàn thành vài cặp chiếu, nhưng mỗi chiếc chiếu làm ra đều là “độc nhất”, mang dấu ấn riêng của người thợ thủ công.
Mặc dù có máy móc hỗ trợ đi đôi ba phần cực nhọc
Nhưng nghề làm chiếu cói vẫn cần có sự phối hợp nhịp nhàng và hỗ trợ của con người
Cái độc nhất của các sản phẩm chiếu cói là mỗi sản phẩm đều cần một khoảng thời gian nhất định để hoàn thành, và trong khoảng thời gian đó, người thợ mang theo những câu chuyện, những trạng thái cảm xúc khác nhau. Tất cả đều góp phần tác động lên khung dệt tạo nên sự độc đáo mang tính thời điểm cho sản phẩm.
Một người phụ nữ vừa vui vẻ dệt chiếu, vừa kể cho mọi người nghe về đứa con gái út mới được học sinh giỏi ở trường, chị kể với khuôn mặt đầy hân hoan và tự hào. Niềm vui ấy cũng theo cả vào khung dệt, dường như khiến cho chiếc chiếu đang thành hình cũng thêm phần hạnh phúc.
Mỗi người thợ có câu chuyện của riêng mình và mang chúng vào khung dệt
Chiếu cói – không chỉ để nằm, mà còn để nhớ
Ngày nay, nhà ai cũng có nệm hiện đại, nhưng chiếu cói vẫn hiện diện như một lựa chọn tinh tế và truyền thống. Đặc biệt vào mùa hè, chiếu cói mang lại sự mát mẻ, thoáng khí, thân thiện với môi trường. Và khi được làm từ nguyên liệu tự nhiên, thủ công, mỗi chiếc chiếu như chứa đựng cả câu chuyện của người làm ra nó.
Tại Đắk Lắk, bạn có thể bắt gặp những xưởng chiếu ven đường, sân nhà đầy chiếu phơi nắng, những người thợ vừa dệt vừa trò chuyện. Khách ghé chơi được mời uống nước, nghe kể chuyện nghề, thậm chí được thử luồn sợi, tự tay hoàn thiện một góc chiếu nhỏ.
Tôi từng thử ngồi vào khung, luồn vài sợi, nhưng tay cứ run và sợi bung ra. Người thợ lớn tuổi bên cạnh mỉm cười bảo: “Nghề chiếu phải tập từng chút, không có vội.” Chính câu đó khiến tôi thấy nghề này không chỉ là làm chiếu - mà là rèn lòng kiên nhẫn.
Nghề làm chiếu cói là nghề cần sự kiên nhẫn
Kết
Mỗi chiếc chiếu là kết quả của mồ hôi, sự khéo léo và cả lòng kiên nhẫn. Nhưng hơn thế, nó là minh chứng cho một thứ tình cảm không dễ gọi tên: tình yêu nghề, tình yêu đất đai, và sự gắn bó của con người với những điều bình dị nhất trong đời sống.
Đến một xưởng chiếu, bạn không chỉ ngắm nhìn — mà có thể lắng nghe. Nghe tiếng khung dệt, tiếng trò chuyện của những người thợ, và tiếng hồi đáp từ ký ức rất xa — nơi chiếc chiếu từng trải, từng ngủ, từng che chở bao giấc mơ hiền lành.
Nếu bạn đang muốn tìm đến một trải nghiệm đặc biệt hơn, hãy ghé thăm các xưởng, làng nghề dệt chiếu cói ở huyện Tuy An, tỉnh Đắk Lắk (Phú Yên cũ) để nghe chuyện làm nghề của những người thợ, chuyện “đan đời người” của những sợi cói.
—--
CREDIT:
- Photography: Luan Nguyen
- Content: Giang Huynh
- Design: Phuong Nguyen