HỘI AN - TỪ THƯƠNG CẢNG SẦM UẤT ĐẾN ĐÔ THỊ CỔ KÍNH

HỘI AN - TỪ THƯƠNG CẢNG SẦM UẤT ĐẾN ĐÔ THỊ CỔ KÍNH
Trong mọi khoảnh khắc, Hội An đều biết cách khiến lòng người mê đắm. Dù đặt chân đến ngóc ngách nào của phố cổ, người ta vẫn có thể cảm nhận được nét đẹp không hòa lẫn vào đâu được của chốn thương cảng sầm uất thuở nào.

Những con đường rợp đầy hoa giấy, các cửa tiệm sáng đèn, bóng hoa đăng dập dềnh nơi sóng nước, … trong mọi khoảnh khắc, Hội An đều biết cách khiến lòng người mê đắm. Dù đặt chân đến ngóc ngách nào của phố cổ, người ta vẫn có thể cảm nhận được nét đẹp không hòa lẫn vào đâu được của chốn thương cảng sầm uất thuở nào.

Article image

Tìm Về Thương Cảng Sầm Uất Xưa 


“Theo dòng chảy bất tận của thời gian, Hội An hiện lên như một bức tranh sinh động của thương cảng xa xưa, nơi những con thuyền từ phương Đông và phương Tây cùng neo đậu.”


Vào thế kỉ XVI đến thế kỉ XVIII, với tên gọi Faifo, Hội An từng là một trong những cảng biển sầm uất bậc nhất Đông Nam Á. Với vị trí địa lý thuận lợi bên dòng sông Thu Bồn, nơi đây trở thành trung tâm của các hoạt động giao thương quốc tế.

Những thương nhân từ Trung Quốc, Nhật Bản, Bồ Đào Nha và Hà Lan đã mang đến không chỉ các mặt hàng quý giá, mà còn cả tinh hoa văn hóa từ các vùng đất xa xôi. Điều này giúp Hội An dần phát triển không chỉ về kinh tế mà còn trở thành nơi giao thoa của văn hóa Đông - Tây.

Chính trong quá trình giao thương, hội nhập của nhiều nền văn hóa khác nhau, các công trình kiến trúc ở Hội An cũng dần trở nên đa dạng hơn, phản ánh rõ nét sự giao thoa văn hóa Đông – Tây. Từ những ngôi nhà gỗ, hội quán Trung Hoa, đến mái chùa Nhật Bản, hay các công trình có sự ảnh hưởng của kiến trúc Châu Âu, … tất cả đều góp phần tạo nên dáng vẻ đặc biệt của thương cảng Faifo xưa và phố cổ Hội An nay.

Nổi bật trong các công trình đó là 5 hội quán của người Hoa được xây dựng từ thế kỷ XVII - XIX. Ngoài đặc trưng với phần mái vòm uốn cong, ngói âm dương và các chi tiết trang trí tinh xảo, mỗi hội quán còn có cho mình những nét đẹp kiến trúc riêng, trở thành điểm đến thăm quan được đông đảo du khách ghé đến.


Ban đầu, các hội quán được xây dựng để làm nơi thờ cúng các vị thần bảo hộ như Thiên Hậu Thánh Mẫu, Quan Công vì đã giúp những người Hoa di cư vượt qua sóng gió ngoài biển khơi và an toàn cập bến tại đây. Bên cạnh đó, các hội quán còn được sử dụng làm nơi gặp gỡ, cũng như sinh hoạt văn hóa, gắn kết cộng đồng người Hoa ở Hội An.

Article image
Article image

Khu phố cổ nổi danh 


Không còn là thương cảng lừng danh Faito của quá khứ, Hội An giờ đây là di sản văn hóa thế giới được UNESCO công nhận, đồng thời cũng là điểm đến được yêu thích của khách du lịch trong và ngoài nước.

“Hội An ngày nay là sự giao thoa hài hòa giữa quá khứ và hiện tại, giữa cái cũ và cái mới, khiến cho lòng người thêm phần quyến luyến.”


Dọc ngang những con đường nơi phố cổ, người ta dễ dàng bắt gặp hình ảnh cái cũ nằm bên cạnh những cái mới, từ những ngôi nhà cổ được sử dụng làm cửa hàng bán buôn với biển hiệu viết bằng đủ thứ tiếng tây ta, cho đến những con phố nhỏ đầy ắp du khách với phong cách thời trang hiện đại, … Những điều mới xuất hiện ngay bên cạnh điều cũ - hài hòa và dễ thương, không gò ép Hội An phải thay đổi, bỏ đi dáng vẻ cổ kính vốn có của mình.

“Như chiếc kính vạn hoa nhiều sắc màu, Hội An chuyển mình giữa ngày và đêm, có khi khoác lên mình chiếc áo nhẹ nhàng, trầm tính, khi lại sặc sỡ, năng động” 


Hội An của ban ngày nhẹ nhàng như một tấm vải lụa trải dài dưới ánh nắng, với những con phố nhỏ thanh bình và yên ả.


Trong bầu không khí trong lành của sáng sớm, Hội An luôn mang dáng vẻ hiền lành, là nơi mà người ta có thể dễ dàng tìm cho mình một góc nhỏ, ngồi thưởng trà, hàn huyên, và tạm quên đi những xô bồ của cuộc sống.


Có giàn hoa giấy, có tiếng xe đạp lách cách, mùi cà phê thơm lừng, tiếng bước chân thong thả dạo quanh, ... Hội An sáng sớm có đủ đầy nét thơ, nét thanh lịch làm lòng người xuyến xao.

Article image
Article image

Trái ngược với dáng vẻ mộc mạc ban sáng, Hội An khi phố thị lên đèn lại hóa rực rỡ, xúng xính, tấp nập du khách, và những người bán buôn.


Bên cạnh sự xô bồ, đông đúc của dòng người hay các cửa hiệu rôm rả, phố cổ ban đêm còn sôi động, tấp nập hơn vì những hoạt động văn hóa đa dạng như đi thuyền, thả hoa đăng, chơi bài chòi – một trong những trò chơi dân gian đặc trưng của khu vực miền Trung Việt Nam.

“Đà Nẵng tàu lớn vào ra


Hội An phố xá đông người bán buôn” 


Article image
Article image

Giữa cái sặc sỡ, sôi động của Hội An về đêm và sự hiền lành, nhẹ nhàng khi ngày đến, thật khó để người ta chọn lựa được đâu là thời điểm xinh đẹp nhất của phố cổ. Ở mỗi phiên bản, Hội An lại cho người ta thấy một sức hút riêng của mình.

Dù đã nhiều thế kỷ trôi qua, Hội An vẫn đang gìn giữ được cho mình những nét đặc trưng của một thời đại giao thoa văn hóa Đông - Tây đầy biến động. Với chúng tôi, Hội An còn hơn cả một di tích lịch sử - vì nơi đây luôn đem đến cho người ta được cảm giác hoài niệm đầy xưa cũ. Trong thoáng chốc, khi đi giữa các con phố, ngắm nhìn thuyền ghe, người ta dường như có thể dễ dàng mường tượng ra được hình ảnh của thương cảng Faifo sầm uất thuở nào.

Không chỉ riêng Hội An, dọc ngang dải đất hình chữ S xinh đẹp của Việt Nam còn rất nhiều di tích lịch sử khác cũng có thể đem đến cho du khách trải nghiệm đặc biệt đó, nhưng không phải công trình nào cũng được đầu tư bảo tồn, được truyền thông quan tâm và nhiều người biết đến.


Rồi vài năm sau nữa, liệu các công trình như thế có bị tháo dỡ vì xuống cấp và lãng quên? Liệu có cách nào để Việt Nam có thể có thêm nhiều nơi như Hội An - được chú trọng bảo tồn để tồn tại lâu thật lâu với thời gian?

Chúng tôi tạm biệt Hội An, quý và yêu từng ngóc ngách của phố cổ, nhưng lòng vẫn không khỏi nghĩ suy về những công trình lịch sử khác. Giá mà có thật nhiều “Hội An” để du khách gần xa biết đến và ghé thăm thì tốt biết mấy.

—------

CREDIT: 


- Photography: Luan Nguyen  - Content: Giang Huynh  - Design: Phuong Nguyen, Luan Nguyen