DINH ĐỘC LẬP - “NHÂN CHỨNG” LỊCH SỬ CÒN SỐNG MÃI

|
DINH ĐỘC LẬP - “NHÂN CHỨNG” LỊCH SỬ CÒN SỐNG MÃI
Tọa lạc tại số 135, đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, phường Bến Thành, quận I, Dinh Độc Lập với dáng vẻ uy nghi của một dinh thự xa hoa bậc nhất dưới thời Toàn Quyền Đông Dương, hiện là một trong những địa điểm hút khách của Sài Gòn, đặc biệt là khi dịp đại lễ 30/4 đang đến gần.

Trong không khí hào hùng của dịp đại lễ kỷ niệm 50 năm Giải Phóng Hoàn Toàn Miền Nam, Thống Nhất Đất Nước (Từ 30/04/1975 - 30/04/2025) đang đến gần, hãy cùng MLifeOn tìm hiểu và khám phá một công trình lịch sử tiêu biểu, gắn liền với sự kiện đặc biệt này. 


Sơ lược về Dinh Độc Lập 



Tọa lạc tại số 135, đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, phường Bến Thành, quận I, Dinh Độc Lập với dáng vẻ uy nghi của một dinh thự xa hoa bậc nhất dưới thời Toàn Quyền Đông Dương, hiện là một trong những địa điểm hút khách của Sài Gòn, đặc biệt là khi dịp đại lễ 30/4 đang đến gần. 



Không chỉ sở hữu diện tích rộng lớn, gần 12ha, Dinh Độc Lập còn có vị trí vô cùng đặc biệt khi có tới 4 mặt tiền. Cụ thể, bao quanh công trình kiến trúc mang tính lịch sử này là các tuyến đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Huyền Trân Công Chúa, Nguyễn Thị Minh Khai và Nguyễn Du. 

Trong đó, cổng chính của Dinh nằm ở phía đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, đối diện là công viên 30/4 - một địa điểm tham quan nổi bật khác ở khu vực trung tâm Sài Gòn. 

Từ 2009, Dinh Độc Lập - nơi ghi dấu thắng lợi hoàn toàn của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước chính thức được công nhận là di tích quốc gia đặc biệt (quyết định số 1272/QĐ-TTg, ngày 12/8/2009).


Những cột mốc lịch sử 


Được khởi công xây dựng từ năm 1868 cũng chính là thời điểm Pháp vừa đánh chiếm xong 6 tỉnh Nam Kỳ, Việt Nam (bao gồm Biên Hòa, Gia Định, Định Tường, Vĩnh Long, An Giang và Hà Tiên), Dinh Độc Lập không chỉ là Dinh Thống Đốc Nam Kỳ mới, mà còn được xem là biểu tượng cho sức mạnh và sự giàu có của chính quyền Pháp đối với người dân miền Nam, Việt Nam lúc bấy giờ. 


Trải qua 5 năm xây dựng, Dinh Độc Lập chính thức hoàn thiện vào năm 1873. Công trình bao gồm một dinh thự lớn, với mặt tiền rộng 80m, bên trong là phòng khách có sức chứa lên đến 800 người và khuôn viên bao bọc bên ngoài với nhiều cây xanh và thảm cỏ. 


Ban đầu, Dinh được dành cho Thống đốc Nam Kỳ lúc bấy giờ là Gouverneur de la Cochinchine, nên được gọi là Dinh Thống Đốc. Sau này, công trình được sử dụng làm nơi ở và nơi làm việc của Toàn quyền Đông Dương, được gọi với cái tên mới là Dinh Toàn Quyền (từ 1887-1945). 

Phần lớn trong khoảng thời gian từ 1945-1954, dinh trở thành nơi làm việc của chính quyền Pháp ở Việt Nam. Duy chỉ trong 6 tháng (từ 03/1945-09/1945), Nhật đảo chính Pháp, công trình được trưng dụng làm cơ sở hoạt động của chính quyền Nhật. 

Sau năm 1954, Pháp rút khỏi Việt Nam, đánh dấu cho giai đoạn Việt Nam bị chia cắt thành hai miền Nam-Bắc, với chính quyền miền Bắc là Việt Nam dân chủ cộng hòa, còn miền Nam là “Quốc gia Việt Nam” (sau thành Việt Nam cộng hòa). 

Đến 1955, Dinh Toàn Quyền được biết đến với những tên gọi mới như Dinh Độc Lập, Dinh Tổng Thống hay Phủ Đầu Rồng. Những cái tên này ra đời khi Quốc trưởng Bảo Đại bị phế truất, Ngô Đình Diệm chính thức lên làm Tổng thống. 



Vào năm 1962, Dinh Độc Lập bị thả bom bởi chính quyền Việt Nam cộng hòa và bị hư hại nghiêm trọng. Do không thể khôi phục lại, Ngô Đình Diệm đã cho san bằng và xây một dinh thự mới ngay trên nền đất cũ theo đồ án thiết kế của kiến trúc sư Ngô Viết Thụ. Và đây cũng chính là bản thiết kế của Dinh Độc Lập hiện nay. 


Trong khi quá trình xây dựng lại dinh còn đang dở dang, Ngô Đình Diệm bị ám sát và mất vào 1963. Từ 1967-1975, dinh trở thành trụ sở của chính quyền Việt Nam cộng hòa, là nơi sinh sống và làm việc của tổng thống Nguyễn Văn Thiệu


Ngày 30/04/1975, Dinh Độc Lập đã trở thành địa điểm ghi lại cột mốc vàng son trong lịch sử đấu tranh giành lại độc lập của dân tộc ta. Cụ thể, vào đúng 10 giờ 45 phút, xe tăng mang số hiệu 230 của quân giải phóng đã húc nghiêng cổng phụ của Dinh Độc Lập. Tiếp theo đó là xe tăng mang số hiệu 390 đã húc tung cổng chính, tiến thẳng vào Dinh Độc Lập. Đến 11 giờ 30 phút, Trung úy Bùi Quang Thận đã hạ lá cờ của chính quyền Việt Nam Cộng Hòa xuống, kéo lá cờ của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam lên trên nóc Dinh. Chính vào giờ phút đó, Tổng thống cuối cùng của chính quyền Việt Nam cộng hòa là Dương Văn Minh cùng toàn bộ nội các của chính quyền Sài Gòn đã tuyên bố đầu hàng vô điều kiện chính quyền cách mạng. Đây là sự kiện lịch sử đánh dấu thắng lợi hoàn toàn của cuộc kháng chiến chống Mỹ, thống nhất đất nước của quân và dân Việt Nam. 



Dinh Độc Lập ngày nay - “nhân chứng” còn sống mãi 

Vừa là nơi ghé đến để tham quan, vừa là nơi tìm về để ôn lại kỷ niệm, Dinh Độc Lập tiếp đãi không biết bao nhiêu vị khách mỗi ngày. Người hiếu kỳ vì giá trị lịch sử mà công trình chứa đựng, người ngẩn ngơ vì lối kiến trúc đẹp mê mà công trình sở hữu, người đến vì check-in, người vì ôm trong lòng mình những ký ức xưa cũ của một thời đạn bom, một thời quá khứ đã xa mình… 



Ở hiện tại, Dinh Độc Lập là nơi tham quan, một điểm đến lịch sử thu hút, nhưng dáng vẻ của một công trình biểu trưng cho sự giàu có, cũng như sức mạnh của chính quyền Pháp một thời vẫn không hề lẫn đi đâu được. 


Sự giàu có ấy được thể hiện rõ nét qua từng khu vực như đại sảnh, phòng đại yến hay phòng chiếu phim, giải trí - những căn phòng có sự hiện đại và xa hoa khiến du khách không khỏi trầm trồ mà phải dừng chân đứng lại để nhìn ngắm, nghe và đọc thông tin để tìm hiểu. 





Bên cạnh các khu vực cơ bản như phòng tiếp khách, phòng ngủ, khu vực ăn uống, vui chơi, giải trí, Dinh Độc Lập còn sở hữu khu vực hầm trú ẩn với nhiều máy móc, thiết bị hiện đại để làm phương tiện liên lạc và truyền tin, cũng đồng thời là cơ sở để họp bàn, thảo luận quân sự khi cấp thiết. 




Khu vực sân thượng của công trình có bố trí máy bay trực thăng luôn trong trạng thái sẵn sàng để phục vụ các chuyến đi công tác của Tổng Thống Thiệu, cũng như để sơ tán, đề phòng các trường hợp khẩn cấp nếu có. Lối đi từ Dinh đến trực thăng cũng được bố trí vô cùng thông minh khi chỉ mất chưa đầy một phút là có thể di chuyển đến máy bay. 

Bên cạnh khu vực chính của Dinh Độc Lập, du khách còn có thể tham quan khu vực trưng bày - gắn liền với những nhân vật và giai đoạn lịch sử đáng nhớ. 



Vào thứ bảy, chủ nhật hàng tuần, Dinh Độc Lập trở thành địa điểm đón nhận rất nhiều du khách ghé đến. Với khoảng 60,000 VNĐ là bạn đã có thể tham quan khu vực Dinh, cũng như phòng trưng bày, có thể tìm hiểu và khám phá chi tiết nhất về lịch sử và con người trong thời kỳ kháng chiến trước đây. 


Dinh Độc Lập đặc biệt đông đúc khi đến gần hơn với các dịp kỷ niệm, cũng như những ngày lễ của đất nước và dân tộc, đặc biệt là khi đại lễ 30/4 đang gần kề. 

Trong không khí hân hoan của đất nước đang đón chào dịp đại lễ kỷ niệm 50 năm giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, Dinh Độc Lập cũng trở nên nhộn nhịp hơn bao giờ hết. 



--------

CREDIT:

- Photography: Luan Nguyen, Kien Trang

- Content: Giang Huynh

- Design: Phuong Nguyen