ĐÌNH BÌNH HÒA, BẾN TRE - HƠN CẢ MỘT KHÔNG GIAN TÍN NGƯỠNG

ĐÌNH BÌNH HÒA, BẾN TRE - HƠN CẢ MỘT KHÔNG GIAN TÍN NGƯỠNG
Trong chuyến đi tìm về với những nét đẹp văn hóa, lịch sử của Bến Tre, chúng tôi ghé thăm Đình Bình Hòa - ngôi đình cổ kính nằm cách thành phố Bến Tre 16 km về phía Đông Nam.

Nằm giữa bốn bề là sông nước, kênh rạch của Cửu Long, Bến Tre trông từ xa như một hòn đảo xanh mướt. Bên cạnh những vườn dừa, thửa ruộng trải dài, Bến Tre còn nổi bật nhờ sự thơ mộng của phong cảnh và nét đẹp cổ kính của các công trình lịch sử, văn hóa lâu đời. 


Trong chuyến đi tìm về với những nét đẹp văn hóa, lịch sử của Bến Tre, chúng tôi ghé thăm Đình Bình Hòa - ngôi đình cổ kính nằm cách thành phố Bến Tre 16 km về phía Đông Nam. 


Khuất mình dưới bóng của những tán cây, Đình Bình Hòa vẫn giữ gần như vẹn nguyên dáng dấp xưa cũ vốn có với những mảng tường quét vôi trắng, mái đình phủ rêu xanh, và các bức bình phong, cửa gỗ đã phai màu, sờn nét. 




Tìm về ngôi đình 200 năm tuổi

Là một trong 20 ngôi đình nổi tiếng nhất của “xứ dừa” Bến Tre, cũng đồng thời là di tích Kiến trúc Nghệ thuật cấp Quốc Gia được công nhận từ 1993, Đình Bình Hòa vốn được dựng nên từ các vật liệu đơn sơ như cây, lá , tre, nứa để làm nơi thờ Thành Hoàng làng. Nhưng theo chiều dài của lịch sử và trải qua những biến động của thời đại, ngôi đình đã có nhiều thay đổi so với ban đầu và trở thành địa điểm tham quan thu hút du khách thập phương.


“Dạo bước nơi sân đình, đứng dưới mái hiên đã có hơn 200 năm tuổi đời và ngắm nhìn dáng dấp cổ kính của từng mái ngói, viên gạch nơi đây, chúng tôi cảm giác như mình đang được sống chậm lại, tạm tách mình ra khỏi những nhộn nhịp, xô bồ của cuộc sống ngoài kia.” 



Trở lại với dòng lịch sử, Đình Bình Hòa được xây dựng từ đầu thế kỷ XIX. Tuy nhiên, trong thời gian đầu, đình chỉ là nơi thờ tự Thần Thành Hoàng làng như bao ngôi đình khác cùng thời. Mãi cho đến năm 1852, Đình Bình Hòa nhận được sắc phong của Vua Tự Đức (trị vì 1847 đến 1883). Từ mái đình vốn đơn sơ, bình thường, Bình Hòa bỗng chốc hóa chốn “tiếng tăm”, được đông đảo người dân tìm đến vào các dịp lễ cầu an, đặc biệt là khi mong cầu những điều tốt lành và may mắn. 


Điều gì được cất giữ bên dưới mái đình? 

Giống với nhiều công trình nổi bật khác của hệ thống Đình - Miếu khu vực Nam Bộ, Đình Bình Hòa được thiết kế theo dạng hình chữ Nhất. Ban đầu, đình có diện tích khoảng 1.485m2. Trải qua chiều dài lịch sử nhiều biến động với nhiều công trình được trùng tu, thay đổi, khiến diện tích đình bị thu nhỏ lại. Tính đến hiện nay, diện tích của đình còn lại khoảng 1.155m2. 


Với chất liệu chính là gỗ tứ thiết* cùng kết cấu gắn bằng mộng*, chốt, kiến trúc Đình Bình Hòa nổi bật nhờ nghệ thuật điêu khắc gỗ độc đáo, tinh xảo. Điều này được thể hiện rõ ràng nhất là thông qua những cột gỗ, các bức hoành phi, liễn đối, … 


* Gỗ tứ thiết: Là tên gọi để chỉ 4 loại gỗ (Đinh, Lim, Sến, Táu) có độ bền chắc và độ cứng nổi bật so với các loại gỗ hiện có trong tự nhiên. 4 loại gỗ này có chất lượng tốt, không bị mối mọt xâm nhập và có tuổi thọ cao.


** Mộng: Là khái niệm dùng để chỉ một dạng khớp lắp ráp đồ gỗ. Cụ thể, loại khớp này gồm hai phần gỗ được đục đẽo để vừa khít với nhau, tạo ra sự gắn kết chặt chẽ. 


Nếu ở bên ngoài, mái đình lợp ngói âm dương cùng các bức phù điêu được chạm trổ công phu chính là điểm nhấn cho dáng vẻ trầm tư và mộc mạc của Đình Bình Hòa. Thì khi đặt chân vào các khu vực chính điện, trung điện, điều thu hút chúng tôi chính là những đồ vật mang tính lịch sử vẫn còn được bảo tồn ở nơi đây. 



Có bộ thìa, nĩa bằng gỗ từ cuộc thi nấu ăn ở Đông Dương hồi thế kỷ XX, và còn có trang phục hát bội từ hồi thế kỷ trước vẫn còn được gìn giữ, treo nơi vách tường. Dù đã sờn cũ, không còn vẹn nguyên, nhưng mỗi đồ vật được lưu giữ ở đây đều toát lên vẻ đẹp của thời gian. Để mỗi khi nhìn vào chúng, ta có thể mường tượng được dáng dấp của thời đại, cũng chính là dấu ấn mà lịch sử đã đi qua. 



Bên cạnh những đồ vật mang tính lịch sử, Đình Bình Hòa còn khiến chúng tôi không khỏi bất ngờ bởi nghệ thuật điêu khắc gỗ độc đáo và tinh xảo. Điểm nổi bật của nghệ thuật điêu khắc gỗ của đình phải kể đến sự giao thoa giữa yếu tố nghệ thuật cung đình và tôn giáo. 


Từ những hình ảnh vốn quen thuộc trong tôn giáo, tín ngưỡng cho đến các hình ảnh mang tính dân gian, tất thảy đều được thể hiện một cách tỉ mỉ, hóa nét đẹp nghệ thuật đại diện cho thời đại, tôn giáo và tín ngưỡng. 

Hiện Đình Bình Hòa còn lưu giữ hơn 100 hiện vật điêu khắc gỗ tinh vi, sắc sảo, gồm những bức hoành phi, liễn đối, bao lam, phù điêu, hương án, đồ lễ bộ…


Cách khuôn viên đình vài bước chân, chúng tôi được dẫn đến tham quan một giếng đá. Trong giếng, nước ngả màu xanh ngà, mặt nước tĩnh lặng như tờ. Nhưng trong quá khứ, nơi đây từng được chính quyền Mỹ - Diệm sử dụng để làm chốn tra khảo các cán bộ cách mạng của ta. Và ngay tại giếng đá này, đã có hơn 50 cán bộ chiến sĩ hy sinh. 


“Nếu không có những tài liệu lịch sử ghi chép lại, hay những nhân chứng của thời đại ghi nhớ để kể lại thì chẳng ai có thể ngờ được rằng bên dưới một mái đình yên ả và bình lặng như Bình Hòa lại từng trải qua và chứng kiến những tội ác tàn khốc đến thế.” 


Đi khuất khỏi con ngõ dẫn vào đình, chúng tôi trở lại với nhịp sống sôi động của cuộc sống và con người Bến Tre. Càng cảm nhận sự phát triển của thành phố sông nước này, chúng tôi càng mong muốn hiểu thêm những trang sử hào hùng của dân tộc được lưu giữ và bảo tồn bên dưới những công trình xưa cũ như Đình Bình Hòa. Vì chúng tôi hiểu rằng - những giá trị văn hóa thì có thể mai một đi nhưng lịch sử sẽ luôn còn mãi. 


—------ 

CREDIT: 

- Photography: Luan Nguyen 

- Content: Giang Huynh 

- Design: Luan Nguyen